TIN THỦY SẢN

Phân lập vi khuẩn Streptococcus agalactiae týp 2 gây bệnh phù mắt và xuất huyết trên cá điêu hồng (Oreochromis sp.)

Bệnh phù mắt xuất huyết trên cá điêu hồng Hàn Lâm tổng hợp

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Đồng Bằng Sông Cửu Long không ngừng phát triển trong những năm qua đã cải thiện được đời sống kinh tế cho người dân và góp phần nâng cao nguồn ngoại tệ cho đất nước. Bên cạnh việc nuôi và chế biến xuất khẩu cá da trơn thì cá điêu hồng cũng đang dần dần trở thành đối tượng nuôi đặc biệt được chú ý do đây là loài dễ nuôi, chất lượng thịt ngon, có khả năng thích ứng cao với các điều kiện môi trường. Xuất phát từ những nhu cầu về thị trường, nghề nuôi cá điêu hồng được thâm canh hóa với nhiều hình thức nuôi và nhất là nuôi với mật độ cao. Tuy nhiên sự thâm canh hóa cũng dẫn đấn tình trạng dịch bệnh xảy ra nhiều hơn và gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong số các bệnh thường gặp ở cá rô phi nói chung và cá điêu hồng nói riêng thì bệnh phù mắt và xuất huyết do vi khuẩn Streptococcus gây ra, là một trong những bệnh nguy hiểm nhất.

Vi khuẩn có thể tấn công ở mọi giai đoạn phát triển của cá (Amal và ctv., 2008). Streptococcus là một họ vi khuẩn có hình cầu, Gram dương rất đa dạng về thành phần loài và kiểu huyết thanh huyết thanh và dễ nhầm lẫn với những nhóm cầu khuẩn khác về kiểu hình và đặc tính sinh lý, sinh hóa. Việc quản lí dịch bệnh kém hiệu quả đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của người nuôi cá. Một trong những ảnh hưởng lớn nhất đó là không xác định chính xác được tác nhân gây bệnh. Mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu về đặc điểm sinh lý, sinh hóa, kiểu huyết thanh và khả năng gây bệnh của vi khuẩn Streptococcus phân lập từ cá rô phi nuôi ở một số nước thuộc vùng Đông Nam Châu Á đã được công bố, nhưng thông tin về đặc điểm của vi khuẩn này ở Việt nam còn rất hạn chế. Do vậy, trong báo cáo này đặc điểm sinh hóa, kiểu huyết thanh và tính nhạy của vi khuẩn Streptococcus phân lập từ cá điêu hồng bị bệnh phù mắt và xuất huyết với một số loại thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến trong nuôi thủy sản được trình bày nhằm cung cấp thông tin cho việc phòng trị hiệu quả bệnh vi khuẩn ở cá điêu hồng.

1. Kết quả định danh vi khuẩn bằng kit API 20 Strep

Vi khuẩn phân lập từ cá điêu hồng bị bệnh phù mắt và xuất huyết là vi khuẩn có khuẩn lạc tròn, hơi mờ, kích thước khoảng 1mm, phát triển chậm trên môi trường BHA sau 48 giờ ở 30oC. Chúng là vi khuẩn Gram dương, có hình dạng là hình song cầu hay liên cầu (hình 1), cho phản ứng catalase và oxidase âm tính và không có khả năng gây tan huyết.


Hình 1. Hình dạng S. agalactiae (100X)

Kết quả kiểm tra các chỉ tiêu sinh hóa bằng kit API 20 Strep (Bảng 1) cho thấy 100% (9/9 chủng) các chủng vi khuẩn cho phản ứng âm tính với Esculin và Pyrrolidonyl Arylamidase, dương tính với Voges Proskauer, có khả năng thủy phân hippuric acid, không có khả năng acid hóa hầu hết tất cả các loại đường. Tuy nhiên, có 33,3% (3/9 chủng) chủng vi khuẩn cho phản ứng Arginine Dihydrolase dương tính. Dựa trên các chỉ tiêu sinh hóa và căn cứ vào mã số định danh của kit API 20 Strep, tất cả  9 chủng vi khuẩn được định danh là Streptococcus agalactiae. Kết quả này tương tự như kết quả của Buller (2004) khi định danh vi khuẩn S. agalactiae dựa trên các phản ứng sinh hóa của kit API 20 Strep. Ngoài ra, Salvador và ctv. (2005) cũng định danh S. agalactiae với các chỉ tiêu tương tự.

Bảng 1. Kết quả kiểm tra bằng kit API 20 Strep 9 chủng vi khuẩn

Ghi chú: (-) âm tính; (+) dương tính

2. Kết quả ngưng kết miễn dịch

Phản ứng ngưng kết miễn dịch dựa trên nguyên tắc của sự liên kết giữa kháng nguyên và kháng thể có thể nhìn thấy được ở dạng kết khối (Gella và ctv, 1991). Trong nghiên cứu này, phản ứng ngưng kết miễn dịch giúp phát hiện nhanh và nhận dạng kiểu huyết thanh (serotýp) Ib của vi khuẩn  S. agalactiae. Kết quả đáng chú ý là tất cả các chủng (9/9 chủng) được kiểm tra đều cho phản ứng ngưng kết serotýp Ib dương tính (Hình 2), chứng tỏ rằng tất cả các chủng vi khuẩn này đều là S. agalactiae  týp 2.


Hình 2. Kết quả phản ứng ngưng kết miễn dịch của các chủng vi khuẩn  S. agalactiae thử nghiệm. A) Phản ứng âm tính và B) Phản ứng dương tính.

3. Kết quả kháng sinh đồ

Kết quả kháng sinh đồ cho thấy tất cả 9 chủng vi khuẩn S. agalactiae  đều nhạy với hai  loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin là tetracylin và doxycyclin. Đồng thời, florfernicol và amoxicillin cũng cho kết quả nhạy 100%. Hầu hết các chủng vi khuẩn đều nhạy với ampicillin và cefazolin, với kết quả 88,9% cho mỗi loại. Riêng đối với hai loại kháng sinh gentamicin và trimethorime + sulfamethoxazol cho kết quả nhạy thấp hơn, khoảng  70% mỗi loại. Tuy nhiên, các chủng vi khuẩn S. agalactiae  đã kháng cao với norfloxacin (88,9%) tương đương 8/9 chủng.

Bảng 2. Tỷ lệ phần trăm nhạy, nhạy trung bình và kháng của 9 chủng vi khuẩn S. agalactiae  với 12 loại kháng sinh

AM: ampicillin (10µg), AML: amoxicillin (25µg), CZ: cefazolin (30µg), CIP: ciprofloxacin (5µg), DO: doxycyclin (30µg), ENR: enrofloxacine (5µg), FFC: florfenicol (30µg), GM: gentamicin (10µg), N: neomycin (30µg), SXT: Trimethoprim/sulfamethoxazole (1.25/23.75µg), NOR: norfloxacin (5µg), TE: tetracyclin (30µg).

4. Kết luận

Sử dụng kit API 20 Strep kết hợp với phương pháp ngưng kết miễn dịch đã định danh được 9 chủng vi khuẩn gây bệnh phù mắt và xuất huyết trên cá điêu hồng là vi khuẩn S. agalactiae  týp 2. Phương pháp ngưng kết miễn dịch giúp xác định nhanh và xác định kiểu serotýp của loài vi khuẩn này để kịp thời phòng trị bệnh. Hầu hết tất cả các chủng vi khuẩn đều nhạy với các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm Beta-lactanin, Fenicol, Tetracyclin nhưng phần lớn kháng với norfloxacin.

Trương Quỳnh Như, Huỳnh Nguyễn Xuân Nghi và Đặng Thị Hoàng Oanh, 2012. Tuyển tập hội nghị khoa học trẻ ngành thủy sản toàn quốc lần thứ III, Huế.

Hàn Lâm tổng hợp tepbac.com