TIN THỦY SẢN

Phập phù giá cá tra nguyên liệu

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL hiện đã quay đầu giảm trở lại sau khi tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 10-2013. Ảnh minh họa: Trung Chánh trung chánh

Sau khi tăng lên mức giá 24.000 - 24.500 đồng/kí lô gam trong những ngày đầu tháng 10-2013 - mức giá giúp người nuôi có lãi khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kí lô gam - thì giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã quay đầu giảm trở lại.

Theo báo cáo của Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), cá tra loại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trọng lượng 0,8 - 0,9 kí lô gam/con) hiện được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản mua vào với giá chỉ còn 22.500 - 23.500 đồng/kí lô gam và 21.000 - 21.500 đồng/kí lô gam đối với cá có chất lượng thịt xấu hơn, giảm 1.000 - 1.500 đồng/kí lô gam so với mức giá hồi đầu tháng 10.

Khi được hỏi về nguyên nhân cá tra nguyên liệu giảm trở lại, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết tình hình xuất khẩu cũng bình thường nhưng không hiểu tại sao giá cá nguyên liệu lại giảm xuống. "Tôi nghĩ, khả năng có thể do bữa trước cá đến lứa thu hoạch ít nhưng nhu cầu doanh nghiệp lớn đã đẩy giá lên, còn hiện nay cá nhiều lên làm giá giảm lại thôi”, ông đoán.

Theo ông Hòe, rất khó để đưa ra bình luận giá cá lên xuống xuất phát từ nguyên nhân nào bởi diện tích, sản lượng nuôi ở ĐBSCL hiện vẫn là ẩn số. “Có người nói sắp tới thiếu cá chế biến xuất khẩu dữ lắm nhưng có thống kê nào chính xác cho thấy điều đó đâu!”, ông Hòe nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Cafatex (Hậu Giang), thực tế cá nguyên liệu trong nước đã không còn nhiều và giá xuất khẩu gần đây cũng đã tăng thêm 0,25 - 0,3 đô la Mỹ/kí lô gam so với mức giá hồi tháng 9-2013 nhưng giá nguyên liệu trong nước lại sụt giảm bởi nông dân chuyển từ bán thiếu 1 tháng sang thanh toán tiền mặt do gần đây tái diễn lại hiện tượng doanh nghiệp nợ tiền cá nông dân.

Tuy nhiên, ông Kịch cho biết, khuynh hướng giá sẽ đi lên thời gian tới bởi nguồn cá nguyên liệu sẽ tiếp tục sụt giảm vì chính sách thắt chặt tín dụng của ngân hàng, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư vùng nuôi, trong khi đó, số hộ nông dân rơi vào cảnh lỗ lã ngày một nhiều hơn.

Câu chuyện giá cá tra nguyên liệu thường xuyên biến động, mất cân đối lợi ích trong bài toán thu nhập giữa doanh nghiệp và người nông dân ngày càng biểu hiện rõ nét. Vì vậy, vấn đề liên kết để tìm sự hài hòa về lợi ích giữa đôi bên đã được đặt ra.

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch AFA cho rằng hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra giữa doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá là hướng đi bền vững cho ngành cá tra trong nước. Ông lý giải việc liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp giảm được gánh nặng phải lo vùng nuôi, từ vốn đến quản lý; tận dụng được nguồn lực trong dân như vốn và tay nghề; nông dân được chia sẻ rủi ro; tránh được rủi ro khi thừa hay thiếu nguyên liệu...

Vì vậy, để mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được bền vững, nhất thiết hợp đồng phải cụ thể, có trách nhiệm trên cơ sở chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro những lúc thị trường có biến động.

trung chánh TBKTSG Online, 17/10/2013