Phạt đến 100 triệu đồng nếu vi phạm giao thông hàng hải
Theo quy định tại Nghị định số 93/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, hành vi đưa phương tiện không có động cơ, trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 CV hoặc có sức chở 5 người vào hoạt động mà không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ an toàn theo quy định sẽ bị phạt cảnh cảo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
Ngoài ra, đối với một số hành vi như kẻ, gắn số đăng ký phương tiện không đúng quy định; số đăng ký được kẻ, gắn trên phương tiện bị mờ hoặc bị che khuất; biển ghi số người được phép chở trên phương tiện bị mờ hoặc bị che khuất; đưa phương tiện không có động cơ, trọng tải dưới một tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè vẫn đưa vào hoạt động cũng sẽ bị phạt từ 50.000 – 100.000 đồng.
Đáng chú ý, đối với hành vi tự ý đặt tên, đổi tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước hoặc sử dụng, giao dịch bằng tên cảng biển cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước không đúng với tên do cơ quan có thẩm quyền công bố sẽ bị phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng.
Đặc biệt, nghị định cũng áp dụng hình thức phạt nặng từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi cho thuê lại kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng khi chưa có văn bản chấp thuận của bên cho thuê. Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với tàu thuyền chở khách từ 300 người trở lên mà không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với tàu thuyền chở khách sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, các hành vi đánh bắt thủy hải sản lưu động gây cản trở giao thông cũng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng; phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, để phường tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi không cho phép.
Nghị định còn quy định phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với hành vi chủ cảng, bến thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện có hành vi đổ, xả chất thải xuống đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa hoặc đổ xả không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường.