Phát hiện một loài rắn độc mới thuộc giống Azemiops ở Việt Nam
Ba nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Viện Động vật Xanh-pe-tec-bua, CHLB Nga đã phát hiện và công bố một loài rắn độc mới trên tạp chí Russian Journal of Herpetology tập 20, số 2 năm 2013. Dựa trên các bằng chứng so sánh về hình thái và cấu trúc bộ xương với loài rắn khác trong cùng giống đã ghi nhận ở Việt Nam và Trung Quốc trước đây.
Mẫu vật của loài mới được nhóm nghiên cứu thu tại Cao Bằng, Lạng Sơn và Vĩnh Phúc, địa điểm thu mẫu có độ cao từ 800 – 1800 mét. Rắn lục đầu bạc kha-rin Azemiops kharini có các đặc điểm nhận dạng: Đầu có màu trắng với hai đường sọc đen, chiều dài cơ thể khoảng 759-980 mm, vảy mịn với 17 hàng trên cơ thể, đuôi ngắn, 183 -199 hàng vẩy bụng, 186-201 đốt sống thân, 46 -51 đốt sống đuôi.
Loài rắn mới được đặt theo tên nhà động vật học người Nga - Vladimir Kharin, Nhằm vinh danh những đóng góp lớn cho việc nghiên cứu về các loài bò sát và cá ở châu Á
Rắn lục đầu bạc kha-rin Azemiops kharini và hình ảnh cấu trúc bộ xương -Ảnh: Nguyễn Thiên Tạo
Đây là loài rắn lục đầu bạc thứ 2 thuộc giống Azemiops và là loài rắn độc thứ 60 trong tổng số hơn 210 loài rắn được ghi nhận ở Việt Nam cho đến hiện tại. Việc phát hiện mới này cho thấy khu hệ rắn Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều điều thú vị.