Phát hiện nhiều chủng virus gây bệnh trên cá rô phi
Ngoài nguy cơ bùng phát dịch bệnh TiLV, hiện nay nghề nuôi cá rô phi đang bị đe dọa bởi nhiều chủng virus khác.
Nghề nuôi cá rô phi đã phát triển mạnh hơn 20 năm trở lại đây, có đến hơn 90 nước khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới sản xuất. Nuôi cá rô phi là một mô hình mang tính chiến lược, vừa mang lại nguồn lợi sinh kế cho người lao động vừa cung cấp lượng lớn protein cho người tiêu dùng, cũng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều nước.
Tuy nhiên, đi đôi với nuôi trồng phát triển, mật độ thả cao và chất lượng nước không ổn định có thể khiến cá rô phi bị stress và làm hệ thống miễn dịch của chúng suy yếu. Do đó, dịch bệnh kéo theo là điều không thể tránh khỏi. Nhiều tác nhân nhắm vào mục tiêu là cá rô phi, trong đó virus là một trở ngại lớn.
Như chúng ta đã biết virus TiLV được phát hiện năm 2014 đã gây ra mối de dọa lớn trong những trại nuôi cá rô phi, thì nay những nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều virus khác gây bệnh tương tự. Các chiến lược đối phó cũng bắt đầu được triển khai cho thấy những virus này có khả năng gây thách thức không nhỏ cho nghề nuôi thương phẩm cá rô phi.
Aquabirnavirus(IPVN) được tìm thấy khắp nơi thế giới, cả nước ngọt và nước biển, virus sẽ gây hoại tử tuyến tụy trên cá rô phi. Tỉ lệ tử vong khoảng 25%, tuy nhiên chưa rõ về đường truyền của chúng nhưng có tài liệu cho rằng chúng lây truyền được ở cả chiều ngang và chiều dọc từ các thế hệ cho nhau. Virus thường được tìm thấy trên cá khi ghép với bệnh do streptococcus gây ra trên cá rô phi.
Betanodavirus (VNN), phát hiện năm 2011 ở Thái Lan, đây là một loại virus nhắm vào hệ thần kinh trung ương làm cá mất phương hướng, tỉ lệ tử vong rất cao trong thời gian ngắn tới 90-100%. Virus có thể tấn công trên tất cả giai đoạn sinh trưởng của cá. Các cơ quan của hệ thần kinh cá bị ngưng trệ, hoại tử, cá điên loạn, mất thăng bằng, chán ăn và xuất hiện sắc tố đen trên da.
Một loại virus thường gặp nhất trên ấu trùng cá rô phi là Herpesvirus (TELV) gây viêm não. Các mô não bị tổn thương nghiêm trọng làm cá bơi xoáy và không định hướng, trên da và vây cũng xuất hiện sắc tố đen. Tỷ lệ tử vong lên tới 92-98%. Virus truyền dọc từ cá bố mẹ sang đời con của chúng. Có nghiên cứu chỉ ra rằng virus này có thể lây lan giữa các loài khác nhau khi sống cùng một khu vực.
Bohle virus (BIV) hay Ranavirus được phát hiện tại Úc, với tỷ lệ tử vong tới 100% khi phát sinh bệnh. Triệu chứng của chúng là bơi xoắn ốc, tổn thương nặng ở thận và lá lách. Virus lây lan theo chiều ngang từ cá thể bệnh sang cá thể khỏe thông qua việc cho ăn và dùng chung dụng cụ nuôi. Virus BIV đã có thể phát hiện bằng một phương pháp phân tử chuyên biệt.
Magalocytivirus (ISKNV) gây triệu chứng điển hình là hoại tử thận, lá lách. Virus được tìm thấy ở cả nước ngọt và nước biển. Khi cá bệnh, trong khoang bụng chứa nhiều dịch lỏng, các tế bào máu bị biến dạng, cơ quan nội tạng thiếu máu. Tỷ lệ chết từ 50-75% trong hai tháng. Virus lây theo chiều dọc từ bố mẹ sang con với mức độ cao, thường ghép với các bệnh khác trên cá rô phi gây tình trạng nặng hơn.
Virus thuộc họ Iridoviral phát hiện năm 1998 tại Canada, khi nhiễm cá chui rúc dưới đáy bể, mắt lồi, khu vực quanh mang và dưới hàm bạc màu, nội tạng nhạt, xuất huyết ở gan và hoại tử một vài cơ quan. Chưa có nghiên cứu chi tiết về loài vius này, chỉ có thể xác định chúng thuộc họ Iridoviridae.
Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra lời khuyên nên sử dụng giống từ những nơi uy tín; trong quá trình nuôi nên kiểm tra cá rô phi bằng phương pháp phân tử để phát hiện kịp thời sự xuất hiện của virus và tiêm ngừa với vaccin có hiệu quả dài hạn để phòng dịch bệnh xảy ra.
Tuy nhiên vaccine sẽ tốn một chi phí không hề nhỏ và không thích hợp với cá nhỏ khi chúng chưa phát triển đầy đủ. Bên cạnh đó giới chuyên gia nhận định virus không phải là thách thứ duy nhất với cá rô phi nuôi, ký sinh trùng và vi khuẩn một khi có điều kiện cũng gây thiệt hại đáng kể. Tốt nhất hiện tại là tăng cường nghiên cứu về lĩnh vực di truyền tạo ra gen kháng thể hoặc giúp cá bố mẹ kháng bệnh.
Nên thiết lập một hệ thống giám sát dịch bệnh từ virus trên cá rô phi áp dụng dịch tễ học. Huy động lực lượng cùng các cơ quan địa phương ra sức hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh. Nuôi hướng an toàn sinh học và quản lý chặt chẽ đầu vào và đầu ra của khu vực nuôi. Cơ quan có thẩm quyền cũng nên thông cáo với bà con nuôi cá để có hướng phòng bệnh tốt nhất từ xa.