TIN THỦY SẢN

Phát hiện nhiều mẫu cá biển miền Trung tồn dư cyanua, cadimi và phenol

Các ngư dân chuyển cá lên bờ. Ảnh minh họa Gia Phong

Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia vừa có văn bản số 752/VKNQG-QLCL gửi Bộ Y tế báo cáo kết quả việc thực hiện xét nghiệm 9 mẫu cá do Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh gửi ra.

Được biết, trong 9 mẫu cá có 3 mẫu (gồm: Cá mu, cá đuối) được lấy tại Gò cá xã Cẩm Nhượng, biển Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và 6 mẫu (gôm: Ghẹ 3 mắt, cá nhồng, cá man, cá trạng buồn, cá mỏ neo, cá triềng) lấy tại chợ Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Báo cáo kết quả kiểm nghiệm (ngày 22-8) cho thấy, hàm lượng các kim loại nặng như: thủy ngân, crôm, asen, chì, sắt trong các mẫu nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, trong mẫu cá trạng buồn có hàm lượng cadimi là 0,079mg/kg, vượt quá giới hạn cho phép. Ngoài ra, xét nghiệm cũng phát hiện tồn dư cyanua trong 5 mẫu cá (gồm: Cá đuối (0,8mg/kg); ghẹ 3 mắt (0,8mg/kg); cá nhồng (0,6mg/kg); cá man (0,5mg/kg) và cá mỏ neo (3,9 mg/kg). Ngoài ra, xét nghiệm cũng phát hiện hàm lượng phenol trong 3 mẫu cá (gồm: Cá đuối (14mg/kg); ghẹ ba mắt (10mg/kg) và cá man (8,3mg/kg).

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), cyanua là một chất độc cho người. Người ăn phải thực phẩm nhiễm độc cyanua, có triệu chứng nóng lưỡi, họng, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, thở nhanh. Ngộ đọc nặng có thể gây rối loạn ý thức, hôn mê, ngừng thở, co giật, thậm chí tử vong. Phần lớn lượng cyanua có trong nước và đều xuất phát từ quá trình công nghiệp (quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hóa chất hữu cơ, những công việc liên quan sắt và thép).

Chiều 24-8, Cục An toàn thực phẩm (ATTP)-Bộ Y tế cũng có thông báo về kết quả kiểm nghiệm của các mẫu cá lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy, mức độ ô nhiễm đã giảm dần theo thời gian cụ thể là tháng 7 có 7/27 mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng (chiếm tỷ lệ là 25,9%); đến ngày 19-8, trước thời điểm cho Bộ TN-MT công bố nước biển an toàn, kết quả kiệm nghiệm cho thấy, chỉ có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng (chiếm 5,5%). Ngày 22-8, Bộ TN-MT đã chính thức công bố nước biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn có thể bơi lội và nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế vẫn tiếp tục giám sát, lấy mẫu với tất cả các loại cá tại các cảng biển và đầm nuôi ở 4 tỉnh miền Trung để làm kiểm nghiệm. Dự kiến đến tháng 9 mới có thể công bố các mẫu cá đã thực sự an toàn.

Gia Phong Hà Nội mới, 24/08/2016