TIN THỦY SẢN

Phát hiện thủy tổ của loài xương sống

Metaspriggina cũng giống như thủy tổ của loài xương sống - Ảnh: Reuters Phi Yến

Một loài cá nhỏ xíu không hàm sống cách nay hơn 500 triệu năm đang cung cấp những chứng cứ vô cùng quan trọng về nguồn gốc của các loài động vật có xương sống trên Trái đất.

Theo Reuters, các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Hoàng gia Ontario (Canada) đã công bố những phát hiện mới về 100 mẫu hóa thạch cá được khai quật ở khu vực Đá phiến sét Burgess tại quốc gia Bắc Mỹ, với nhiều mẫu vật được lưu trữ trong điều kiện tốt và cho thấy những cấu trúc cơ thể sơ khai trước khi cá tiến hóa để mọc hàm.

Loài cá được chú ý nhất, tên khoa học là Metaspriggina, đã sống vào khoảng 515 đến 500 triệu năm trước trong điều kiện sự sống phức tạp bắt đầu sinh sôi vào Kỷ Cambrian.

Metaspriggina là loài cá thân mềm không hàm, kích thước không lớn hơn ngón tay trỏ của người, dài khoảng 6 cm, đầu nhỏ, mình dẹp, hai mắt lớn và cặp nang mũi nhỏ.

Trong khi đã có hai mẫu hóa thạch rời rạc của loài này được khai quật trước đó, những mẫu vật mới phát hiện cung cấp nhiều chi tiết vô tiền khoáng hậu về một trong những loài động vật xương sống cổ nhất thế giới.

Các sinh vật như Metaspriggina đóng vai trò khởi đầu loài động vật có xương sống, kế đến là cá có hàm, lưỡng cư, bò sát, chim chóc và hữu nhũ.

“Điều này cho phép các chuyên gia nghiên cứu kỹ hơn về nguồn gốc của tất cả chúng ta, cũng như biết được hình dạng của họ hàng xa xôi nhất”, theo Jean-Bernard Caron, nhà cổ sinh vật học của viện bảo tàng tại Toronto.

Phi Yến Báo Thanh Niên, 12/06/2014