TIN THỦY SẢN

Phát huy giá trị văn hóa biển từ lễ hội Cầu ngư

Lễ hội Cầu ngư. Thùy Linh

Những ngày cuối năm 2019, Bình Thuận vừa đón thêm tin vui khi lễ hội Cầu ngư vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian, mà qua sự kiện sẽ góp thêm một sản phẩm du lịch biển hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với địa phương vào dịp tháng 6 âm lịch hàng năm.

Lễ hội của cư dân miền biển

Đối với cư dân vùng biển Nam Trung bộ nói chung và Bình Thuận nói riêng lễ hội Cầu ngư là hoạt động văn hóa dân gian, tín ngưỡng tâm linh gắn liền công việc, sinh hoạt của ngư dân. Sắc thái ấy đã có một quá trình tồn tại trên tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc mà bao thế hệ cha ông đi trước đã kế thừa, chắt lọc và cô đọng thành những tinh hoa văn hóa. Lễ hội có cấu trúc, diễn trình phong phú và hấp dẫn, chứa đựng nhiều nghi lễ, yếu tố văn hóa gắn với môi trường sinh kế của ngư dân, cũng như tích hợp một số giá trị văn hóa của các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Đó là sự diễn ra đan xen giữa các nghi lễ mang đậm sắc thái tín ngưỡng thờ cúng cá Ông với một số nghi lễ của Phật giáo, đình làng và văn hóa của người Hoa. Với vai trò chính là các nhà sư, còn Ban nghi lễ chỉ mang tính phụ trợ.

Trước khi lễ hội diễn ra, ngư dân trong làng tề tựu về vạn vệ sinh, bài trí lễ vật lên các khám thờ và hương án. Chiều tối ngày trước khi lễ hội chính thức diễn ra, Ban nghi lễ lên đèn, dâng hương, trà, chè, bánh ngọt; đánh trống, chiêng… cúng “Trần Thiết” để báo cáo thần Nam Hải.

Theo các vị cao niên ở phường Đức Thắng: Hàng năm ở Vạn Thủy Tú diễn ra nhiều kỳ tế lễ chính như lễ hội Tế xuân đầu năm, Cầu ngư đầu mùa, Cầu ngư chính mùa và Cầu ngư cuối mùa... Trong đó, lễ hội Cầu ngư chính mùa (vào ngày 19 - 22/6 âm lịch) là quan trọng nhất và theo định kỳ tam niên đáo lệ tổ chức đại lễ cúng chay một lần. Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, nhiều tôm cá để người dân ấm no.

Độc đáo phần lễ và phần hội

Lễ Cầu ngư có các nghi lễ quan trọng như nghệ sắc, Nghinh Ông Sanh, thỉnh Thập điện và cầu siêu cho chư vị hương linh, phóng đăng, khai xá thuyền rồng, thỉnh chư vị Thủy thần và thỉnh chư vị Tiền hiền, cầu quốc thái dân an, khai đàn chẩn tế âm linh, thả thuyền rồng trên biển, tế Tiền hiền, chánh lễ tế thần, nghệ sắc hoàn mãn.

Trong đó lễ khai đàn chẩn tế âm linh là một trong những nghi lễ được ngư dân chờ đợi nhất. Đúng 13 giờ, Ban nghi lễ cùng với hương án, lọng, chiêng, trống và nhạc lễ thực hiện nghi thức thỉnh rước các cộ lễ rời gian thờ Tiền hiền đi ngõ sau vòng qua đường lộ bên hông để vào cổng chính của vạn và đến đặt trên “Đàn tế lễ” bố trí phía trước Võ ca. Nghi lễ do một nhà sư làm chủ lễ cùng một số nhà sư khác và Ban nghi lễ làm phụ lễ. Sau khi làm các nghi thức theo Phật giáo, Sư chủ lễ làm phép muối, gạo rồi đưa cho ông Chánh bái đứng trên “Đàn tế lễ” lễ để rải quanh, sau đó lần lượt hạ các cộ lễ vật xuống để bà con nhân dân và các em nhỏ tranh nhau giành lấy những vật phẩm mà mình ưa thích. Những lá cờ nhỏ ghi tên những gia đình phụng cúng trên các cộ lễ vật được chính những gia đình cúng cộ chuộc lại với số tiền tượng trưng.

Còn nghi lễ chánh lễ tế thần Nam Hải luôn được xem là giờ phút thiêng liêng nhất, là thời khắc giao cảm giữa con người với thần Nam Hải. Ngư dân các làng chài luôn tin rằng cuộc tế lễ càng trang nghiêm, long trọng bao nhiêu thì sẽ có bấy nhiêu sự phù hộ, độ trì của thần Nam Hải và các vị hải thần. Trong nghi lễ này, vai trò của Chánh bái rất quan trọng, là người trực tiếp giao cảm với thần Nam Hải và các vị hải thần để đề đạt các ý nguyện của cộng đồng lên các vị thần linh này. Lễ vật chính là con heo sống toàn sắc màu trắng.

Bên cạnh phần lễ, sẽ có phần hội diễn ra bên ngoài và trên biển, hát bội. Các hoạt động vui chơi cộng đồng này thu hút sự quan tâm, cổ vũ của nhân dân, tạo mối đoàn kết, gắn bó giữa những người cùng nghề biển và với các thành phần nghề nghiệp khác trong vùng.

Lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển được tích tụ từ bao đời cùng kinh nghiệm ứng xử với biển của các thế hệ đi trước.

Thùy Linh Báo Bình Thuận