Phát huy tiềm năng kinh tế thuỷ sản
Nằm kề biển Ðông, nguồn nước mặn dồi dào đã ưu đãi cho huyện Ðầm Dơi trong nuôi trồng thuỷ sản. Sau ngày tỉnh Cà Mau được tái lập (1/1/1997), đến nay, Ðảng bộ huyện chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thời điểm năm 1996 trở về trước, mặc dù huyện Ðầm Dơi tập trung nhiều nguồn lực đầu tư đào đắp hệ thống thuỷ lợi, đê bao khép kín để ngăn mặn giữ ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, sản phẩm làm ra giá trị kinh tế thấp, đời sống nông dân, nông thôn kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, 18,78%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, đời sống vật chất, tinh thần của người dân phát triển chậm.
Ðến năm 2000, khi toàn bộ diện tích hơn 60.000 ha được chuyển dịch sang nuôi tôm, Ðầm Dơi tiếp tục đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, huyện đã thi công nạo vét 162 công trình thuỷ lợi để cấp thoát nước đảm bảo phục vụ người dân nuôi tôm.
Lưới điện quốc gia được kéo về phủ khắp các vùng quê, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, nhất là hệ thống điện 3 pha phục vụ nuôi tôm công nghiệp.
Nông dân Ðầm Dơi được tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến đã chuyển đổi rất nhanh từ nuôi tôm quảng canh tự nhiên sang quảng canh cải tiến, nhất là mô hình nuôi công nghiệp. Ðến nay, diện tích nuôi quảng canh cải tiến trên 30.000 ha, tôm công nghiệp gần 3.000 ha. Năng suất bình quân đạt từ 200-300 kg/ha/năm năm 2010, thì nay đạt 5-6 tấn/ha/vụ đối với tôm sú, 7-8 tấn/ha/vụ đối với tôm thẻ chân trắng. Năm 2016, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 103.600 tấn, trong đó tôm 35.975 tấn. Mức tăng trưởng về năng suất, sản lượng tôm hằng năm của Ðầm Dơi đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Cà Mau.
Bên cạnh con tôm, nông dân Ðầm Dơi còn nuôi cua, sò huyết, vọp xen canh để có thu nhập ổn định. Nếu như năm 1996, thu nhập bình quân là 2,25 triệu đồng/người/năm, đến nay nâng lên 35,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 14,86%.
Kinh tế phát triển tạo điều kiện thuận lợi để huyện Ðầm Dơi huy động các nguồn lực trong dân cùng vốn Nhà nước đầu tư phát triển các công trình phúc lợi công cộng. Ðến nay, toàn huyện xây dựng được 691 km lộ giao thông nông thôn, 596 cây cầu, tạo mạch giao thông thông suốt từ TP Cà Mau về tận xóm, ấp. 16/16 trạm y tế xã, thị trấn đều đạt chuẩn quốc gia, 29/76 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1.
Ông Phạm Thanh Tòng, ấp Tân Lợi B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Trước đây trồng lúa thì mình đủ ăn, đủ mặc, từ khi chuyển sang nuôi tôm, cuộc sống bà con khá giả, kinh tế ổn định hơn so với trồng lúa”.
“Từ ở thời điểm 2001, 2002, thu nhập bình quân khoảng 5-6 triệu đồng/người, đến thời điểm này trên 30 triệu đồng. Từ đó, đời sống tinh thần của bà con cũng nâng lên”, ông Nguyễn Hữu Thạch, ấp Tân Lợi A, xã Tạ An Khương Nam, cho biết.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể nền sản xuất của Ðầm Dơi từng lúc, từng nơi nạn tôm chết còn xảy ra, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, giá tôm nguyên liệu trên thị trường thiếu ổn định. Trình độ, năng lực quản lý, vốn đầu tư cho mô hình sản xuất nuôi tôm công nghệ cao của nông dân còn hạn chế, chưa tạo sức bật lớn cho kinh tế thuỷ sản phát triển thật sự vững chắc, đây là thực trạng cần có giải pháp đầu tư thiết thực.
“Huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao đối với những vùng, những hộ có điều kiện. Song song đó, trên diện rộng mở ra diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến nhằm nâng cao năng suất, sản lượng; tập trung chỉ đạo tạo ra các mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng”, Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Nguyễn Chí Thuần thông tin.
Nhìn lại chặng đường 20 năm tái lập tỉnh Cà Mau, kinh tế - xã hội huyện Ðầm Dơi có bước phát triển vượt bậc. Và qua đó, Ðảng bộ huyện cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp phù hợp để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.