TIN THỦY SẢN

Phát triển bền vững kinh tế thủy sản

Thu hoạch tôm ở phường  Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai. (Ảnh: Văn Hải) Trần Hữu Tiến (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT)

Với bờ biển dài, ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản phong phú, nhiều cửa lạch cùng hàng nghìn ha mặt nước nuôi trồng mặn lợ, Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững…

Ðược thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài 82 km, có 5 huyện, thị xã ven biển được hình thành bởi nhiều cửa sông lớn đổ ra biển, với 6 cửa lạch, tỉnh ta có ngư trường thuận lợi, giàu nguồn lợi thủy sản và phong phú. Khai thác, đánh bắt hải sản luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của cả tỉnh.

Theo đà phát triển và được sự khuyến khích từ các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, ngư dân trong tỉnh mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn khơi xa đánh bắt dài ngày để đạt hiệu quả kinh tế cao. Năng lực tàu cá tăng nhanh theo chiều hướng giảm tàu khai thác ven bờ và tăng tàu khai thác xa bờ. Đến nay, tổng số tàu cá khai thác hải sản toàn tỉnh là 3.964 chiếc, trong đó tàu khai thác xa bờ 1.380 chiếc.

Nhiều tàu cá được trang bị các phương tiện hàng hải hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc; công nghệ và phương tiện khai thác ngày càng tiên tiến. Ðể tàu cá, tàu dịch vụ hoạt động an toàn, hiệu quả trên biển, những năm qua, ngành thủy sản tỉnh đã tập trung hướng dẫn, phổ biến cho ngư dân trang bị các thiết bị điện tử hàng hải khá hiện đại. Đặc biệt, hiệu quả hơn cả là ngư dân Nghệ An đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trên biển.

Đồng thời chú trọng khai thác lợi thế vùng ven biển, mặt biển, các ao, hồ để mở rộng diện tích nuôi thủy sản và đưa thêm nhiều đối tượng nuôi mới vào thực tế sản xuất. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGap, tôm thẻ chân trắng thâm canh, nuôi tôm sú, cua xanh bán thâm canh, nuôi cá rô phi, cá lóc,… đang được triển khai có hiệu quả ở các địa phương ven biển và vùng miền núi, trung du. Năm 2015, ngành thủy sản trong tỉnh cũng đã sản xuất và di ương hơn hàng tỷ con giống thủy sản.

Một mối quan hệ “kéo theo” khác trong ngành thủy sản là khi sản lượng sản xuất đạt khá, thì công nghiệp chế biến cũng phát triển tương ứng, mang lại giá trị tăng thêm khá lớn. Cũng như nhiều vùng biển khác, chế biến thủy sản ở Nghệ An đã được quan tâm phát triển khá sớm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Các nhà máy chế biến xuất khẩu đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp với thiết bị ngày càng hiện đại, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ tích cực nhiệm vụ xuất khẩu trên địa bàn.

Hiện tại, toàn tỉnh có 14 khu chế biến thủy sản tập trung, hàng năm cung cấp cho thị trường gần 25 triệu lít nước mắm các loại, trên 15.000 tấn bột cá, 5.000 tấn mắm các loại. Các cơ sở chế biến xuất khẩu  đã được đầu tư về quy mô, thiết bị, công nghệ sản xuất. Theo đó, sản phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu năm 2015 đạt 35.000 tấn; giá trị sản phẩm chế biến xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 25 triệu USD. Đi đôi với phát triển sản xuất, hạ tầng nghề cá được đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão: lạch Lò, lạch Cờn, lạch Vạn, Cửa Hội đã được tỉnh nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thời gian lên, xuống hàng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua, ngành thủy sản Nghệ An cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế: Giá trị ngành thủy sản trong cơ cấu GDP toàn tỉnh chưa cao; nhiều tàu cá còn lạc hậu; năng suất, sản lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản còn thấp so với tiềm năng, năng lực sản xuất giống thủy sản còn bất cập; nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu còn thiếu; vùng nguyên liệu tập trung chưa được tập trung xây dựng.


Ngư dân phường Nghi Hải ( Cửa Hội ) TX Cửa Lò đước mùa cá cơm. (Ảnh Xuân Nhường)

Để khai thác, phát triển nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững cần tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn lợi và tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung huy động, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đến Nghệ An đầu tư sản xuất và di ương giống thủy sản để chủ động được giống các đối tượng chủ lực theo đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, khuyến khích nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGap; đóng tàu khai thác xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ, từng bước hiện đại hóa nghề cá.

Cùng đó, tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; gắn phát triển thủy sản với củng cố quan hệ sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết các vấn đề xã hội, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm  vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

Hiện tại, toàn tỉnh có 22.500 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 20.000 ha nuôi cá nước ngọt, 2.500 ha nuôi mặn lợ (trong đó có 1.750 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh). Tổng sản lượng thủy sản năm 2015 đạt 145.000 tấn, tăng gấp 2 lần so với năm 2006. Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thủy sản giai đoạn 2011 – 2015 đạt bình quân 10 – 11%/năm.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 là phát triển thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, ổn định để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của nhân dân. Phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đến năm 2020 đạt 150.000 tấn; trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 100.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 50.000 tấn; phấn đấu đến năm 2020 sản xuất 100% giống thủy sản có chất lượng và 100% giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng sạch bệnh.

Trần Hữu Tiến (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT) Báo Nghệ An, 02/04/2016