TIN THỦY SẢN

Phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng - Bài 1: Hiệu quả từ nghề nuôi cá lồng

Lồng cá trên hồ Thủy điện Hòa Bình của gia đình anh Hà Công Hưởng ở xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình (Hòa Bình). Bài và ảnh: HÙNG THÀNH NGỌC, LONG HẢO VINH

Với lợi thế về khí hậu, mặt nước và thị trường tiêu thụ ổn định, những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa ở các tỉnh phía bắc phát triển mạnh, tạo thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi, nhà doanh nghiệp và vai trò quản lý của Nhà nước…

Các tỉnh phía bắc có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá lồng bè nước ngọt, nước lạnh bởi có nhiều ao, hồ chứa, sông… Thời gian gần đây, nông dân trong vùng đã áp dụng nhiều phương thức chăn nuôi đa dạng, trong đó có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao…

Khai thác tiềm năng

Với điều kiện tự nhiên sẵn có, các tỉnh phía bắc có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá lồng trên mặt nước; nhất là trên các sông lớn, như: sông Đà, sông Lô, sông Thái Bình, sông Hồng, sông Kinh Thầy, sông Đuống… Nghề nuôi cá lồng ở khu vực này ngày càng phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Qua thống kê, ở các tỉnh phía bắc có hàng trăm nghìn ha mặt nước để nuôi cá lồng, trong đó, các địa phương có diện tích nuôi lớn nhất như: Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Tuyên Quang, Bắc Ninh… Các loại cá được nuôi chủ yếu là cá truyền thống, như: trắm, chép, rô phi, diêu hồng đến những loại đặc sản như lăng, tầm, anh vũ… Cá nuôi trong lồng ở các tỉnh phía bắc có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nuôi được nhiều chủng loại cá, nhất là những loại cá đặc sản, góp phần giảm chi phí trong nuôi trồng, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng ô-xy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Các tỉnh phía bắc cũng có nhiều thuận lợi để nuôi cá tại các hồ chứa như hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Núi Cốc… Riêng ở hồ thủy điện Hòa Bình, số lồng nuôi có lúc lên tới hơn 800. Từ năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án mô hình nuôi cá lồng trên hồ chứa với ba đối tượng là cá tầm, lăng và diêu hồng tại 12 tỉnh miền núi phía bắc là: Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang. Sau ba năm triển khai dự án, đã xây dựng được 31 mô hình tương ứng với 3.100 m3 (100 m3/mô hình) và hiệu quả kinh tế mang lại rất tích cực. Các mô hình nuôi cá đều đạt hiệu quả kinh tế vượt mức so với yêu cầu dự án. Trong điều kiện nuôi cá trong lồng bè, công tác chăm sóc, quản lý tốt hơn cho nên tỷ lệ sống cao hơn, tốc độ tăng trưởng lớn nhanh hơn, chất lượng thịt cá nuôi lồng bè thơm ngon, săn chắc, giá bán cao hơn nuôi trong ao hoặc bể từ 1,2 đến 1,5 lần. Lợi nhuận đem lại đối với mô hình nuôi cá tầm trong lồng đạt 80 đến 100 triệu đồng/100 m3 lồng; mô hình nuôi cá diêu hồng đạt từ 40 đến 60 triệu đồng/100 m3 lồng; mô hình nuôi cá lăng từ 40 đến 50 triệu/100 m3 lồng. Hiệu quả kinh tế của mô hình này cao hơn nhiều so với các mô hình nuôi cá truyền thống, như trắm cỏ, cá chép, cá rô phi vằn trước đây chỉ thu được lợi nhuận khoảng 10 đến 15 triệu đồng/lồng 100 m3/vụ nuôi. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là mô hình đã đem lại cho người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, bước đầu đã tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong việc nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá trong lồng trên các hồ chứa.

Điều đáng nói, hiệu quả của mô hình đã đánh thức được tiềm năng nuôi cá lồng bè trên hồ chứa tại các tỉnh miền núi phía bắc nhằm đa dạng các hình thức nuôi, tận dụng tiềm năng diện tích mặt nước sẵn có tại địa phương. Tăng thu nhập cho người sản xuất, nâng cao đời sống nông dân quanh khu vực lòng hồ, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, dự án triển khai cũng tạo điều kiện để các hộ nuôi cá lồng có cơ hội được tập huấn kỹ thuật, tham quan giao lưu học tập các mô hình nuôi cá lồng đạt hiệu quả kinh tế cao trong khu vực.

Hướng làm giàu của nông dân

Phú Thọ là địa phương có ba con sông lớn chảy qua, trong đó sông Đà và sông Lô có chất lượng nước tốt, rất phù hợp với việc phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện tỉnh có gần 900 lồng cá nuôi trên các sông và hồ chứa nước với sản lượng đạt hơn 1,6 nghìn tấn/năm, chiếm hơn 50% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh. Trong đó, tại huyện Thanh Thủy, việc nuôi cá lồng đã và đang ngày càng phát triển mạnh và là hướng phát triển kinh tế của địa phương. Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thanh Thủy Nguyễn Văn Hòa cho biết, dòng sông Đà chảy qua địa bàn có môi trường nước tốt, rất phù hợp với việc chăn nuôi cá lồng cho nên những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng của huyện phát triển rất mạnh. Huyện đã sớm có chủ trương và khuyến khích các hộ dân nuôi cá lồng thành lập các hợp tác xã chăn nuôi thủy sản. Từ đây, việc chuyển giao công nghệ, tiếp thu công nghệ và tiêu thụ sản phẩm cũng được triển khai bài bản hơn, mang lại hiệu quả cao hơn. Năm 2014, toàn huyện có 78 lồng nuôi cá, đến nay đã tăng lên 335 lồng và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Nuôi cá lồng đã trở thành hướng phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao cho người chăn nuôi, mở ra hướng thoát nghèo và làm giàu cho nhiều hộ dân ở địa phương. Anh Nguyễn Đạo Luật Chí, xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, cho biết: “Sau khi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật về cách nuôi và chăm sóc cá lồng trên sông, tôi đã đầu tư làm 15 lồng cá với tổng thể tích 1.500 m3, thả cá trắm đen, diêu hồng, lăng chấm. Trong đó có năm lồng cá diêu hồng, mỗi năm cho thu hoạch hai vụ, trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập khoảng một tỷ đồng. Còn cá lăng chấm hơn một năm mới cho thu hoạch nhưng lợi nhuận cũng đạt khoảng 600 triệu đồng”. Còn anh Đặng Văn Luyện, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, chia sẻ: “Năm 2014, gia đình đầu tư hai lồng cá, nuôi chủ yếu là giống cá truyền thống, cho nên thu nhập thấp, mỗi lồng chỉ đạt 20 triệu đồng. Đến năm 2015, được Chi cục Thủy sản tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ một phần chi phí và con giống, gia đình đã đầu tư thêm 18 lồng cá và nuôi chủ yếu giống cá đặc sản như lăng chấm, trắm đen, chép giòn, diêu hồng… ước tính thu về cả trăm triệu đồng tiền lãi”.

Tại tỉnh Hòa Bình, nghề nuôi cá lồng tại hồ thủy điện Hòa Bình cũng đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Theo Chi Cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Đặng Thị Duyên, đến hết năm 2015, tỉnh Hòa Bình có 2.317 lồng nuôi cá, vượt 29% so với kế hoạch đề ra và tăng 500 lồng so với năm 2014. Việc nuôi cá lồng hiện đang được tỉnh quan tâm, khuyến khích phát triển nhằm nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhân dân. Việc nuôi cá lồng, ngoài các loài truyền thống, còn nuôi một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, như: cá tầm, chiên, lăng, vược, ngạnh… Năm 2015, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 5.215 tấn. Anh Hà Công Hưởng, xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình (Hòa Bình) cho biết, hiện cơ sở chăn nuôi của gia đình anh có hơn 20 lồng, nuôi các loại cá trắm cỏ, diêu hồng, cá lăng, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với giá bán 120.000 đồng/kg cá lăng, 65.000 đồng/kg cá diêu hồng, 140.000 đồng/kg cá trắm đen, năm nay thời tiết thuận lợi đã giúp các hộ gia đình nuôi cá lồng mặt nước sông Đà có thu nhập cao và ổn định.

Những năm gần đây, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã tận dụng lợi thế về dòng chảy, chất lượng nguồn nước trên sông Kinh Thầy để phát triển nghề nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả cao. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Quang Liêm cho biết, hiện nay việc nuôi cá lồng trên sông trên địa bàn rất thuận lợi. Các yếu tố môi trường, nguồn nước giàu ô-xy giúp cá nuôi trong lồng sinh trưởng, phát triển nhanh và nuôi được mật độ cao. Do đó, hiệu quả từ việc nuôi cá lồng trên sông đã giúp nhiều hộ nông dân làm giàu. Đến nay, toàn huyện Nam Sách có khoảng 1.590 lồng cá, chủ yếu ở các xã Nam Tân, Nam Hưng, Thái Tân, Hiệp Cát, An Bình… với các loại cá như diêu hồng, trắm đen, chép, lăng. Qua thống kê, năm 2015 toàn huyện có hơn 1.500 lồng nuôi cá, trong đó 1.200 lồng cho thu hoạch, trừ chi phí, người nông dân còn lãi khoảng 60 tỷ đồng. Anh Phạm Như Diện, thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, chia sẻ: “Gia đình tôi đã nuôi cá lồng được bốn năm. Hiện nay, gia đình có 16 lồng nuôi cá chép, diêu hồng, lăng… trên sông Kinh Thầy, mỗi lồng nuôi cá diêu hồng cho thu hoạch khoảng 4,5 đến 5 tấn cá/năm. Bình quân, mỗi năm 16 lồng nuôi xuất ra thị trường khoảng 20 đến 30 tấn cá, thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng”.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay nghề nuôi cá lồng ở hồ chứa của các tỉnh phía bắc đang tăng nhanh. Năm 2012 ở khu vực này chỉ có 3.079 lồng, đến nay đã tăng hơn 9.300 lồng, trung bình mỗi lồng có thể tích từ 50 đến 120 m3.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: HÙNG THÀNH NGỌC, LONG HẢO VINH Báo Nhân Dân, 12/01/2016