TIN THỦY SẢN

Phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm từ việc quy hoạch vùng nuôi

Vũng Rô là vùng nuôi tôm hùm nổi tiếng của Phú Yên (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam) Hồng Thúy

Trước hiện tượng tôm chết hàng loạt, người dân tự ý di dời lồng bè đến Vũng Rô hay Gành Đá Đĩa để hạn chế ô nhiễm thì không được phép. Cần quy hoạch chi tiết mặt nước phục vụ nuôi tôm hùm một cách bền vững ở vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên.

Trước những khó khăn này, cùng với việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, giải pháp quy hoạch chi tiết mặt nước phục vụ nuôi tôm hùm một cách bền vững để cấp cho người dân quản lý, sử dụng được đặt ra.

Ông Nguyễn Kẽ ở phường Xuân Yên là một trong những ngư dân có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên. Từ giữa tháng 5/2017 trở về trước, ông là chủ của hơn 100 lồng nuôi tôm hùm các loại với số lượng hơn 20 ngàn con. Nhưng, sau trận mưa giông bất thường vào ngày 24/5 vừa qua, ông và người dân phát hiện cả vùng nước rộng lớn trên vịnh Xuân Đài bị đổi màu. 1 tuần sau đó, tôm hùm nuôi trên các lồng bè bỏ ăn, bám lưới rồi chết hàng loạt. Gia đình ông Kẽ thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Kẽ cho biết, còn nước còn tát, ông cùng nhiều hộ khác sang lồng và di chuyển tôm còn sống đến vùng nước khác để nuôi.

Sợ dịch bệnh lây lan có không ít người đã di chuyển lồng tôm hùm đến vịnh Vũng Rô hay gành Đá Đĩa để nuôi. Tuy nhiên, đây là những địa điểm không được phép, buộc phải di chuyển đi nơi khác khiến các chủ lồng bè vừa mất thời gian, lại tốn nhiều chi phí. Vậy, vùng mặt nước nào để cấp cho người dân nuôi tôm hùm lâu dài và bền vững là dấu hỏi lớn?

Nhiều năm nay, thị xã Sông Cầu, nơi có nghề nuôi tôm hùm phát triển mạnh nhất ở tỉnh Phú Yên đã quy hoạch tạm thời 5 phân vùng để phục vụ cho nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, đây chỉ là quy hoạch tổng thể, còn quy hoạch chi tiết thì vẫn chưa thực hiện được. Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chia sẻ, đó là một trong những nguyên do khiến lồng bè tôm hùm tập trung tại một số vị trí quá đông dẫn đến ô nhiễm vùng nuôi.

Hiện nay thị xã đang kiến nghị với tỉnh quy hoạch chi tiết vì quy hoạch tổng thể đã được UBND tỉnh phê duyệt. Quy hoạch chi tiết là nhiệm vụ của thị xã nhưng đây là việc khó. Vịnh Xuân Đài hiện nay là danh thắng cấp quốc gia và đã được công nhận, trong khi đó quy hoạch cho nuôi tôm thì chưa được phê duyệt. Riêng quy hoạch này nguồn vốn chiếm tương đối lớn mà ngân sách thị xã thì không đáp ứng được, ông Lương Công Tuấn cho biết.

Trước những khó khăn này, mới đây UBND tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ xác định nguyên nhân tôm hùm chết, cũng như đưa ra khuyến cáo để từng bước giúp người dân khôi phục sản xuất. Tuy nhiên cái khó là sự chồng lấn của nhiều quy hoạch. Cụ thể như ở Vịnh Xuân Đài là quy hoạch cho du lịch và quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban phát triển thủy sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam, ngư dân địa phương có kỹ thuật lồng bè. Nhưng với nghề cá là nghề gắn liền với sinh học. Nhiệt độ, khí hậu, xâm nhập mặn dẫn đến quy hoạch cũ không còn phù hợp nữa. Do đó, quy hoạch cần được đặc biệt ưu tiên, không quy hoạch đơn lẻ từng ngành mà quy hoạch không gian tổng hợp ven biển để các ngành theo định hướng đó triển khai.

Trong lúc tìm giải pháp quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm, khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhà khoa học là giãn mật độ nuôi trong từng lồng bè và giãn khoảng cách giữa các lồng bè nuôi cũng là việc làm cần thiết lúc này để kiểm soát dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm.

Hồng Thúy VOV Miền Trung