TIN THỦY SẢN

Phát triển mô hình nuôi tôm có sự tham gia của cộng đồng

Con tôm là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau. TRẦN KIM

Ngày 25/2, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau tổ chức tập huấn “Kỹ năng nhóm hạt nhân nuôi tôm bền vững” cho các cán bộ trực thuộc sở cùng hơn 40 học viên là cán bộ UBND xã và các hộ dân nuôi tôm trên địa bàn 03 xã Viên An, Đất Mũi (Ngọc Hiển) và Tam Giang Đông (Năm Căn).

  Đây là một trong những hoạt động “Hỗ trợ phát triển mô hình rừng – tôm” của Dự án Khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm phát thải ở Cà Mau (dự án MAM-RSCIP). 

    Theo báo cáo của ngành chức năng , diện tích nuôi trồng thủy sản Cà Mau chiếm hơn 1/3 diện tích nuôi thủy sản của cả nước, với hơn 266 ngàn hecta diện tích nuôi tôm. Trong đó nuôi tôm công nghiệp hơn 6 ngàn hecta; tôm quảng canh cải tiến 40 ngàn hecta; tôm sinh thái 20 ngàn hecta; nuôi tôm kết hợp với trồng lúa khoảng 43 ngàn hecta; còn lại là nuôi tôm truyền thống. 

    Hàng năm sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt trên 130 ngàn tấn (năm 013 đạt 135 ngàn tấn), kim ngạch xuất khẩu từ con tôm tại Cà Mau vượt trên 1 tỷ đô la.

    Nội dung tập huấn gồm: Xây dựng và phát triển tổ hợp tác trong nuôi trồng thủy sản; kỹ năng điều hành nhóm và lập kế hoạch, xử lý xung đột… và ứng dụng thực hành nuôi tôm tốt trong nuôi tôm sinh thái. 

    Ngoài ra, các học viên còn được thảo luận về các vấn đề liên quan đến rừng và nhiều mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn.

    Qua đợt tập huấn, các học viên sẽ là những hạt nhân quan trọng để hỗ trợ tích cực cho sự phát triển cộng đồng người dân nuôi tôm dưới tán rừng thuộc 02 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.

TRẦN KIM Baodatmui.vn, 26/02/2014