TIN THỦY SẢN

Phát triển nghề nuôi cá nước ngọt tại Bình Định

Các hộ dân tham quan ao nuôi cá chình. Ảnh – NTN NTN

Bình Định là một tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ có 160 hồ lớn nhỏ với trên 5.000 ha diện tích mặt nước. Nghề nuôi cá nước ngọt tỉnh Bình Định phát triển chủ yếu ở hình thức nuôi quảng canh hồ chứa và nuôi cá ao đất.

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định. Bên cạnh những giống cá truyền thống, nhiều giống cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá thát lát, cá chạch đồng, cá rô đầu vuông,… đã được người dân đưa vào nuôi nhằm đa dạng hóa loài nuôi, đồng thời bổ sung sản phẩm hàng hóa đa dạng cho người nông dân.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, tính đến tháng 8 năm 2022, diện tích nuôi cá nước ngọt trong tỉnh khoảng 1.300 ha. Trong đó: Diện tích nuôi cá quảng canh hồ chứa 1.250 ha và diện tích nuôi cá ao 50 ha. Đa số các hồ chứa trong tỉnh thả cá nuôi dưới dạng quảng canh, năng suất thấp, nhiều hồ chứa chưa  được quan tâm phát triển nuôi cá như hồ Đồng Quan, Hà Nhe và nhiều hồ chứa nhỏ khác.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông Bình Định cũng đã có nhiều giải pháp để phát triển nuôi cá nước ngọt tại các địa phương có tiềm năng như Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân, An Lão,... Thông qua các mô hình trình diễn cũng như các buổi tọa đàm trực tiếp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như tháo gỡ vướng mắc, giải đáp khó khăn cho các hộ nuôi cá trong tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2022, Trung tâm cũng đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn như nuôi cá nước ngọt như cá rô đầu vuông trong ao đất, cá thát lát lồng bè, cá chạch đồng, nuôi cá chình trong ao đất… Đa số các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng đúng nguyện vọng của các hộ nuôi. Tuy nhiên vẫn có nhiều khó khăn trong việc nhân rộng và phát triển, điển hình là tìm đầu ra cho các sản phẩm. Việc thương lái ép giá, đầu ra không ổn định cũng đã phần nào làm cho các hộ nuôi cá hoang mang.

Ông Lê Văn Thành, hộ dân nuôi cá lâu năm tại huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Đa số các hộ nuôi cá trên địa bàn đều có kinh nghiệm cũng như được hướng dẫn kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn, nuôi cá có sản lượng nhưng đầu ra thì chưa có hoặc chưa ổn định. Nhiều khi cá đạt kích cỡ thương phẩm thì không có thương lái thu mua hoặc bị ép giá. Bà con chúng tôi mong các cơ quan chuyên môn giúp đỡ để yên tâm hơn trong việc nuôi cá. 

Theo ông Nguyễn Văn Chinh, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Thạnh: Hiện nay vẫn có một số hộ nuôi cố tình bán phá giá, làm lợi cho tiểu thương nhưng lại hại cho các hộ nuôi còn lại. Vì vậy, trong thời gian đến, các cơ quan chuyên trách của huyện sẽ làm việc với các hộ nuôi, cùng nhau tìm cách tháo gỡ và có giải pháp phát triển đồng bộ nghề nuôi cá nhằm mang lại hiệu quả lâu dài, lợi ích bền vững.

Phát triển nghề nuôi cá thát lát lồng bè trên hồ chứa tại Bình Định. Ảnh – NTN 

Nắm bắt được nguyện vọng của các hộ dân, trong thời gian sắp tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ nhân rộng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế, là cầu nối gắn kết tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ nuôi và doanh nghiệp, giúp các hộ nuôi yên tâm hơn trong việc tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm, góp phần phát triển nghề nuôi cá nước ngọt bền vững hơn. 

Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, chia sẽ: Việc tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi từ khâu cải tạo ao nuôi đến khâu thả giống và chăm sóc quản lý sẽ quyết định đến hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện vùng nuôi, thị hiếu thị trường và đặc biệt phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi hộ dân là hết sức cần thiết. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các hộ dân để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt tại các địa phương trong tỉnh.

NTN