Phát triển thức ăn từ tảo
Phòng nghiên cứu vi tảo tại Đại học và Nghiên cứu Wageningen (WUR) đã nhận được tài trợ có giá trị của Liên minh châu Âu (EU), cho phép họ lắp đặt các hệ thống sàng lọc mới có thể chọn lọc các chủng tảo nhanh hơn và phát triển một đơn vị lọc sinh học có khả năng phân lập các thành phần chức năng từ tảo.
Sự phát triển của việc chế biến tảo thành thức ăn chức năng
Những năm gần đây, tảo biển được đặc biệt quan tâm như một nguồn thức ăn sinh học, là nguồn nguyên liêu tiềm năng cho ngành thức ăn thủy sản và là tâm điểm của ngành dinh dưỡng bền vững cho vật nuôi trong tương lai.
Việc chọn đúng loại tảo để chế biến thành các loại thức ăn chức năng cũng là một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Ngoài hàm lượng protein, amino axit (một loại hợp chất hữu cơ tạp chức mà trong phân tử có chứa đồng thời nhóm amino (-NH2) và nhóm cacboxyl (-COOH) tương tác với nhau), chất béo,…và chất tạo sắc tố, trong tảo còn nhiều thành phần khác mà chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn làm nguyên liệu thức ăn thủy sản. Một số loại tảo sở hữu vách tế bào dày như là Chlorella hay còn gọi là tảo tiểu cầu có thể ngăn chặn việc hấp thu những dưỡng chất của tế bào. Ở một số loài tảo bẹ tồn tại hợp chất kìm hãm như phenolic khiến chúng không thích hợp được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi dù có giá trị cao về mặt dinh dưỡng, các nguyên tố vi lượng với hàm lượng cao có trong tảo sẽ ảnh hưởng xấu đến vật nuôi tùy vào điều kiện sinh sống, tăng trưởng và quy trình chế biến chúng thành thức ăn.
Bên cạnh đó với những áp lực về mặt kinh tế sẽ dẫn đến các phương thức sản xuất chi phí thấp, dẫn tới hàm lượng protein bị ảnh hưởng cùng sự nhiễm khuẩn sẽ khiến cho việc sử dụng tảo để sản xuất các chế phẩm sinh học như thức ăn chức năng trở nên khó khăn hơn.
Nguồn vốn hỗ trợ
Một trung tâm phát triển công nghệ cho sản xuất vi tảo và chế biến sinh học được gọi là AlgaePARC, sẽ sử dụng nguồn tài trợ REACT-EU để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp bằng việc phát triển các các công nghệ và sản phẩm mới cho các hoạt động kinh doanh, giúp họ thu hút các nhà đầu tư và đảm bảo rằng các giải pháp này có thể trở thành hiện thực và có mặt trên thị trường. Điều này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế sinh học tuần hoàn và bền vững.
AlgaePARC 2.0 sẽ có thể cung cấp quyền truy cập vào các hệ thống sàng lọc mới thúc đẩy việc lựa chọn các chủng tảo diễn ra nhanh hơn. Đồng thời, cơ sở cũng sẽ phát triển một đơn vị lọc sinh học có khả năng phân lập các thành phần chức năng cũng như sinh khối. Năng lực sản xuất và thử nghiệm cũng sẽ được mở rộng ở cấp độ phòng thí nghiệm, thí điểm và sẽ được cho ra mắt, các cảm biến sáng tạo sẽ được giới thiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhu cầu về các cơ sở thí điểm sản xuất các chế phẩm sinh học từ tảo đang tăng lên, vì vậy AlgaePARC cần phải triển khai những đầu tư mới, tăng khả năng tiếp nhận các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các tổ chức này có thể đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch đổi mới của họ, mở rộng không gian để thử nghiệm và phát triển các công nghệ, kỹ thuật mới cho sản xuất vi tảo và chế biến sinh học. Việc đầu tư một số tiền lớn vào giai đoạn phát triển của dự án là một hoạt động mang tỷ lệ rủi ro cao và sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân trong vấn đề đảm bảo loại tài trợ đó, nhưng bằng cách này, họ sẽ nhận được sự hỗ trợ mà họ cần.
WUR được xem như người đi đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất vi tảo và chế biến sinh học. Công việc của họ trong lĩnh vực này tập trung vào việc phát triển một chuỗi cung ứng bền vững, thương mại cho thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, hóa chất, vật liệu và nhiên liệu, dựa trên vi sinh. AlgaePARC đang hỗ trợ để đạt được điều này thông qua các tiến bộ khoa học và khai thác thương mại từ những tiến bộ đó.