Phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững
Ngày 24/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững” tại Cần Thơ.
Hội thảo đánh giá giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng sản lượng thủy sản của Việt Nam là 9,8%/năm, trong đó nuôi trồng tăng 17,9%. Riêng trong năm 2011, tổng sản lượng thủy sản đạt 5,4 triệu tấn, tăng 5,2% so năm 2010, trong đó nuôi trồng đạt 2,9 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,12 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so năm trước.
Riêng chín tháng đầu năm 2012, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đạt trị giá 4,5 tỷ USD. Khai thác hải sản có chuyển biến tích cực. Lượng tàu thuyền khai thác tăng mạnh. Hệ thống cảng cá, bến cá tại các tỉnh ven biển từng bước được hình thành tạo điều kiện phát triển hậu cần dịch vụ khai thác hải sản. Nuôi trồng thủy sản tăng trưởng mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, ngành thủy sản phát triển chưa bền vững, thể hiện qua khả năng đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm không cao, chưa xây dựng tốt quan hệ liên kết giữa sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức.
Để khắc phục những tồn tại trên và để phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững, các đại biểu tham dự hội thảo kiến nghị Nhà nước sớm ban hành chính sách khuyến ngư, nâng cao tay nghề cho ngư dân đánh bắt xa bờ, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước ngành thủy sản, các tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn quốc gia áp dụng trong nuôi trồng.
Các đại biểu kiến nghị cần triển khai đề án tổ chức lại khai thác hải sản, nhất là hải sản xa bờ, điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá, chuyển giao công nghệ khai thác mới, từng bước hình thành các đội tàu lớn đánh bắt ở vùng biển xa bờ; hình thành hệ thống hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại, phù hợp với từng vùng, từng địa phương như cảng cá, khu neo đậu tránh bão, cơ sở đóng sửa tàu, chợ thủy sản đầu mối.
Theo các đại biểu, cần tăng cường kiểm soát nuôi trồng thủy sản và hệ thống kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, chất cải tạo môi trường; kiện toàn hệ thống quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh nhằm giảm thiệt hại, bảo vệ môi trường sinh thái.