TIN THỦY SẢN

“Phẫu thuật” ngành thủy sản

Xuất khẩu thủy sản đang cần hướng đi mới. Ảnh: H.TR Huỳnh Trọng

Với mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỉ USD trong năm 2012, ngành thủy sản (NTS) có đóng góp khá lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước; đồng thời giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động. Ấy nhưng, NTS  vẫn  bộc lộ nhiều bất cập, phát triển thiếu bền vững. Cơ cấu lại NTS đang là vấn đề cấp bách cần phải làm.

Tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, NTS có bước phát triển khá nhanh và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, phát triển theo kiểu phong trào đã đẩy không ít doanh nghiệp (DN) sớm rời cuộc đua, đẩy hàng loạt hộ nuôi thủy sản vào cảnh chết dỡ vì thua lỗ. Vài năm trước - thời điểm xuất khẩu thủy sản “được mùa” - khắp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau... nhà máy chế biến TS mọc lên như nấm. Người ngoài nghề như kinh doanh lúa gạo, hoạt động du lịch, bất động sản... dù không am hiểu nhưng vẫn ào ạt đầu tư xây nhà máy TS.  Còn nông dân vùng ĐBSCL đua nhau mở rộng diện tích nuôi tôm, nuôi cá..., kể cả ở vùng ngoài quy hoạch. Sự bùng nổ trong điều kiện công nghệ còn yếu, nguồn vốn, con giống, thủy lợi, môi trường, đầu ra... chưa đảm bảo đã khiến NTS phải trả giá đắt: Hàng trăm DN chết, hàng loạt hộ nuôi mang nợ...

Theo ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Cty CP Gò Đàng (Tiền Giang) -  đã có nhiều ý kiến đề nghị “phẫu thuật” NTS càng nhanh càng tốt, song “phẫu thuật” cách nào để NTS thật sự lớn mạnh, các DN chung sức xây dựng thương hiệu, tạo uy tín vững chắc trên thương trường quốc tế... là bài toán vô cùng nan giải. Có thể thấy, NTS đã đến lúc sàn lọc, loại bỏ những DN yếu kém, làm ăn chụp giựt. Để phát triển ổn định trong những năm tới cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước nhất là vai trò của nhà nước phải là “chủ xị” trong mối liên kết “4 nhà”, là người đứng ra điều phối về sản xuất, thời gian thu hoạch, tiêu thụ, xuất khẩu... Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến tình trạng các DN bán phá giá cá tra, gây mất uy tín trên trường quốc tế, nhưng chưa thấy cơ quan nào xử phạt hoặc rút giấy phép kinh doanh. Những DN làm ăn chân chính ủng hộ chủ trương đưa nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra vào diện hoạt động “có điều kiện”. DN nào có công nghệ tốt, có thị trường, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng... mới cho xuất khẩu. Còn người nuôi TS phải trong vùng qui hoạch, nắm vững kỹ thuật, có ý thức bảo vệ môi trường nuôi... Việc phân loại, đánh giá DN xuất khẩu cũng cần thay đổi từ số lượng sang chất lượng. Khi quản lý tốt, các DN và người nuôi chuyển hướng tích cực, gắn kết hài hòa lợi ích với nhau thì các ngân hàng sẽ mạnh dạn đầu tư vào NTS.

Ông Mai Đăng Hòa - Tổng Giám đốc Cty TNHH Saigon- Mekong khẳng định: Cần phải thấy rằng, tiềm năng sản xuất, chế biến và xuất khẩu TS của chúng ta còn rất lớn. Vấn đề là cần người cầm chịch, điều tiết mọi hoạt động một cách hợp lý, tạo ra động lực mới thúc đẩy NTS đi lên.

Huỳnh Trọng laodong.com.vn