TIN THỦY SẢN

Phía sau “kỳ án ba ba”

“Kỳ án” ba ba đã khép lại, với những cơ hội mới cho người nuôi ba ba. bảo an

Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII – năm 2012, Báo Nông thôn Ngày nay giành được 2 giải C: Một giải cho bộ ảnh “Săn cá ngừ trên cánh đồng Trường Sa” của tác giả Xuân Trường và loạt bài “Ba ba dưới búa quan tòa” tác giả Sỹ Lực, Lê Hân.

“Vụ kiện ba ba ở Quảng Bình khép lại với một kết cục có hậu: Ba ba không còn bị kiểm lâm kiểm soát; hàng vạn nông dân nuôi ba ba không phải cất công xin giấy phép mở trại, khai báo khi bán hàng và bị kiểm tra khi vận chuyển. Với tôi và các đồng nghiệp cùng thực hiện tuyến bài, đây là một kỷ niệm khó quên”.

Sự việc bắt đầu từ tháng 7.2012, khi anh Hữu Thọ, phóng viên ảnh của báo loan tin: “Có doanh nghiệp buôn ba ba bị xử nặng ở Quảng Bình; hàng trăm con ba ba chầu trời; doanh nghiệp kêu khắp nơi không thấu, đâm đơn kiện cả Chủ tịch tỉnh ra tòa. Chú phải xắn tay mà làm”.

Số là, Công ty Tiền Hậu bị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình quyết định tịch thu toàn bộ “tang vật” và phạt 500 triệu vì “tội” vận chuyển 608 con ba ba (bị cho là động vật rừng không nguồn gốc). Ông Trần Đình Quyết - Giám đốc Công ty Tiền Hậu “choáng váng” vì ông không bắt ba ba ở rừng mà mua trong ao của nông dân, phần vì chưa lần nào ông bị phạt “đau” như vậy. Mấu chốt vấn đề là cần xác định bằng được ba ba là động vật rừng hay vật nuôi thông thường. Dù bỏ ra hàng tuần tìm kiếm nhưng tôi không thấy một danh mục nào nói lên điều đó. Tất nhiên, ba ba sống được trong rừng; nói như kiểm lâm Quảng Bình, ba ba là động vật rừng thì đâu có sai. Nhưng cứ suy diễn như vậy, thì ngay cả con người cũng từ rừng mà ra, kiểm lâm sẽ tha hồ mà “xử”? Và thực tế thì, gần 20 năm nay, ba ba đã được bà con nuôi phổ biến như cá, gà hay lợn. Nghĩ vậy, tôi bắt tay vào viết.

Báo xuất bản, lập tức có hiệu ứng tốt. Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý lên tiếng ủng hộ. Có vị tiến sĩ ở Viện Chăn nuôi còn vỗ vai khích lệ: “Cả đời tôi muốn đưa một số con đặc sản đã phổ biến ra khỏi sự quản lý của kiểm lâm nhưng không được. Nhân vụ này, chú hãy cố làm”. Nhưng rồi, khi phiên tòa diễn ra, tất cả bị giội một gáo nước lạnh ngắt: Tòa nghiễm nhiên coi ba ba là động vật rừng; doanh nghiệp vận chuyển động vật rừng không xác định được nguồn gốc, bị xử phạt là không “oan”.

Mọi việc tưởng chừng chấm hết thì đúng lúc đó, Bộ NNPTNT đang soạn thảo danh mục các loài động vật rừng bị kiểm soát bởi kiểm lâm; ba ba bị liệt vào dự thảo danh mục đó. Không chịu thua, chúng tôi ráo riết tranh luận, phỏng vấn những người tham gia soạn thảo. Không ít những người trong ban soạn thảo đã gật đầu. May sao, đúng lúc cao điểm của vụ kiện, ba ba được bỏ ra khỏi danh mục, chính thức được cởi trói.

Có lẽ, hiếm có sự vụ nào chúng tôi lại tác nghiệp say mê, vượt qua nhiều khó khăn, dị nghị như thế. Nói thẳng ra thì đây là một vụ kiện, trong nghề vẫn gọi là các bài “đánh đấm”. Một vụ “đánh đấm”, “bênh doanh nghiệp” mà đeo đuổi gần 20 kỳ, nhiều chuyên đề về vấn đề này được tổ chức trên các ấn phẩm khác là điều rất ít khi xảy ra. Đã có không ít những cú điện thoại, những cái vỗ vai thăm dò, nghi kỵ. Nhưng dù ai dị nghị, tôi vẫn thấy mình chưa làm trọn vẹn. Lý ra, khi quy định pháp luật chưa rõ thì chưa xử phạt; nếu có xử, phải xử có lợi cho dân. Đằng này, sau phiên tòa, doanh nghiệp mất mát quá lớn; quan chức lặng thinh, mất đi cái chất “đa ngôn” vốn có của người dân Quảng Bình.

Trong 117 tác phẩm đoạt giải thuộc 11 loại giải, có 5 giải A, 28 giải B, 45 giải C và 39 giải khuyến khích. Lễ trao giải Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII- năm 2012 được tổ chức tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội từ 20 giờ ngày 21.6 và được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên các kênh VTV1, VTV6 của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

 

bảo an Dân Việt