Phía sau lợi nhuận “khủng” từ con tôm
Với mức lợi nhuận “khủng” đem về cho người nuôi, hoạt động sản xuất của ngành tôm phát triển rất nhanh thời gian qua. Thế nhưng, phía sau sự phát triển nhanh chóng đó là môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Sức hấp dẫn ngành tôm
Ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là “vua nuôi tôm” ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngụ tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liệu, cho biết nếu lấy mức giá nguyên liệu trung bình trong khoảng 2-3 năm gần đây để làm cơ sở tính toán thì một ao tôm nuôi công nghiệp thành công sẽ cho mức lợi nhuận rất cao, 1 đồng vốn bỏ ra thu về được tổng cộng 2-2,5 đồng.
Đối chiếu thực tế, theo tính toán của ông Ngoãn, một héc ta mặt nước nuôi tôm công nghiệp, nông dân thu được 300-400 triệu đồng lợi nhuận, cao gấp chục lần sản xuất lúa là chuyện thường ở Bạc Liêu cách đây ít năm, thậm chí đối với những mô hình nuôi siêu thâm canh, mật số dày có thể lãi tới 700-800 triệu đồng/héc ta (nếu thành công). Đây thật sự là niềm khát khao của không ít nông dân vùng ven biển ĐBSCL, vì rất khó có cây, con nào cho được một khoản lợi nhuận lớn đến vậy.
Còn ở khía cạnh xuất khẩu, con tôm giúp mang về cho đất nước xấp xỉ 4 tỉ đô la Mỹ kim ngạch trong năm 2014, chiếm 50% giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản, và mang lại cho không ít doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này một nguồn lợi lớn.
Sức hấp dẫn của ngành tôm đã khiến diện tích sản xuất không ngừng được mở rộng; số cơ sở chế biến xuất khẩu tôm cũng liên tục được xây mới.
Theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu như năm 2005, diện tích nuôi tôm nước lợ tại ĐBSCL chỉ hơn 500.000 héc ta, thì đến năm 2014, con số này đã vượt lên hơn 600.000 héc ta, tức bình quân tăng khoảng 10.000 héc ta/năm. Trong khi đó, số liệu của Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, cho thấy tính đến năm 2012, tổng số cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, trong đó, phần lớn là chế biến tôm xuất khẩu, đã đạt đến con số 429 cơ sở, tăng 218 cơ sở so với năm 2002. Tổng công suất chế biến cấp đông cũng được nâng từ 3.150 tấn/ngày vào năm 2002 lên 7.870 tấn/ngày năm 2014.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động nuôi tôm, qua đó, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu ngày càng tăng, năng lực sản xuất con giống và các nhà máy chế biến thức ăn, thuốc thu ý cũng liên tục tăng trưởng.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có 68 cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm sú; 38 cơ sở thức ăn cho tôm thẻ chân trắng và thị phần gần như là sự “độc bá” của các doanh nghiệp ngoại như Uni-President (Đài Loan), CP của Thái Lan và Tomboy của Pháp… Còn về sản xuất con giống, tính đến năm 2012, tổng số các cơ sở sản xuất của cả nước là 1.715, giảm khoảng 2.500 cơ sở so với con số được ghi nhận vào năm 2005, nhưng năng lực sản xuất đã tăng đến 67 tỉ con tôm giống so với 28,8 tỉ con vào năm 2005…
Tàn phá môi trường: chuyện tất yếu
Đi đôi với việc mở rộng vùng nuôi, chuyển đổi hình thức nuôi, từ quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi công nghiệp để tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất nhằm kiếm lợi nhuận cao hơn và đáp ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất, thì chuyện môi trường nuôi bị tàn phá nặng nề là điều hiển nhiên trong bối cảnh quy hoạch vùng nuôi chưa đồng bộ, kháng sinh bị lạm dụng tràn lan như hiện nay.
Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Trương Quốc Phú, Trưởng khoa Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ, cho biết khi diện tích nuôi không ngừng được mở rộng và chuyển sang nuôi công nghiệp với mật độ dày và cho ăn nhiều sẽ tạo ra chất thải lớn hơn, làm môi trường bị ô nhiễm dẫn đến dịch bệnh bùng phát.
“Khi dịch bệnh phát triển, thì nông dân lại xả nước trong ao nuôi không qua xử lý ra môi trường, lấy nước khác ở bên ngoài đưa vô ao tiếp. Thế nhưng, với một quy hoạch chồng chéo, không đồng bộ như hiện nay, thì nông dân bên này xả ra, bên kia lại lấy vô và với cách làm như vậy đương nhiên môi trường sẽ ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng hơn”, ông cho biết.
Theo ông Phú, đối với những vùng phát triển ngoài quy hoạch (ví dụ có một số vùng trước đây sản xuất lúa, nay nông dân đào ao nuôi tôm), nước được sử dụng nuôi tôm xong, nông dân lại xả nước đó xuống kênh, nhưng do điều kiện trao đổi nước hạn chế, cho nên nước đó chưa kịp thải ra đến sông lớn, chưa ra đến biển, thì bị thủy triều đẩy vô ngược lại và chất thải trong quá trình nuôi cứ tích tụ dần, môi trường bị tàn phá còn ghê gớm hơn, “cho nên dịch bệnh phát sinh ngày một nhiều hơn và với tần suất dày đặc hơn”, ông nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Võ Hồng Ngoãn, cho rằng khi môi trường nuôi bị đe dọa, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên có không ít hộ nuôi đã lạm dụng kháng sinh ngay trong giai đoạn xử lý ao nhằm bảo vệ tôm ngay “từ ban đầu”, nhưng chính việc này đã khiến môi trường ngày càng suy thoái hơn.
“Thực tế, về chuyên môn kháng sinh không được sử dụng để phòng bệnh, chỉ có thể trị, nhưng cũng chỉ ở một số bệnh và phải trên nguyên tắc có phác đồ điều trị rõ ràng, chứ làm như cách của nông dân là trộn vào thức ăn, cho ăn định kỳ năm, bảy ngày/lần hay “đánh” (hòa lẫn kháng sinh vào nước trong ao nuôi) vào ao nuôi là không đúng”, ông Phú khẳng định.
Và báo động chuyện phá rừng ngập mặn
Trong khi đó, nạn phá rừng ngập mặn để mở rộng diện tích nuôi tôm cũng xảy ra ở rất nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL thời gian qua và điều này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy, chứ không chỉ riêng hủy hoại môi trường.
“Phá rừng để nuôi tôm sẽ gây ra thiệt hại môi trường rất lớn, bởi vì rừng là nơi xử lý chất thải, giúp làm giảm ô nhiễm môi trường. Ví dụ, lọc sạch bụi bẩn, cặn bã trong không khí và môi trường nước, nhưng khi mình phá, tức sẽ không còn nơi lọc sạch môi trường nữa, thì nó sẽ gây nên biến đổi khí hậu, làm nhiệt độ tăng…, cho nên phá rừng là một vấn đề làm ảnh hưởng đến môi trường trầm trọng hơn”, ông Phú cho biết.
Thực tế, một số nghiên cứu trên thế giới trước đây đã từng chỉ ra những tác hại vô cùng to lớn xuất phát từ việc chặt phá rừng để nuôi tôm. Cụ thể, nghiên cứu của Naylor và cộng sự năm 2000 cho thấy ở Thái Lan, ước tính mỗi kí lô gam tôm sản xuất ra sẽ làm giảm mất 434 kí lô gam cá Chỉ do sự chuyển đổi nơi cư trú. Còn ở vùng Chokonia của Bangladesh sản lượng đánh bắt cá giảm 80% do phá rừng ngập mặn để đắp đê, khoanh vùng nuôi tôm.
Gần đây, một số tổ chức như Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) hay Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) đã lên tiếng khuyến cáo về suy thoái tài nguyên và môi trường do nạn phá rừng để xây dựng ao nuôi tôm. Chẳng hạn, ở Ấn Độ và Indonesia, năng suất tôm nuôi giảm xuống sau 5-10 năm sản xuất; ở Thái Lan, hơn 20% trại tôm từ rừng ngập mặn đã phải bỏ hoang chỉ sau 2-4 năm vì lý do dịch bệnh, môi trường nuôi suy thoái trầm trọng. Còn ở Việt Nam, theo ước tính của FAO, các khu rừng ngập mặn đã giảm từ 400.000 héc ta năm 1950 xuống chỉ còn 157.000 héc ta vào năm 2005.
Trước những tác động bất lợi xảy ra xuất phát từ việc ồ ạt nuôi tôm nước lợ quy mô công nghiệp, ông Phú của Khoa thủy sản Đại học Cần Thơ, cho rằng cần phải có chiến lược bài bản về mặt quản lý. Còn về chuyên môn nên sử dụng quy trình nuôi tiên tiến, công nghệ cao, trong đó cốt lõi là không thải ra môi trường những chất thải nguy hại, “có nghĩa sử dụng nước phải hợp lý, nước thải đưa ra môi trường phải qua quy trình xử lý, nghĩa là mình làm phát sinh ra bao nhiêu nước thải thì phải làm sạch để tái sử dụng hoặc trước khi đưa ra môi trường”, ông khuyến cáo.