Phía sau những vụ tôm ngàn tấn: Siêu lợi nhuận - Lắm rủi ro
Bên cạnh niềm vui của nhiều hộ dân sau những vụ nuôi thành công, có không ít hộ thất bại. Cũng như tất cả các ngành nghề khác, nghề nuôi tôm không tránh khỏi những buồn, vui đan xen.
Với sản lượng hơn 200 ngàn tấn tôm mỗi năm, lĩnh vực nuôi thuỷ sản tiếp tục khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau.
“Nghề nuôi tôm không ai dám nói mình giỏi, ai cũng phải chịu thất bại, chỉ là nhiều hay ít thiệt hại mà thôi”. Đó là nhận định của ông Kiều Minh Tấn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, khi nói về nghề nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Nhận định ấy không chỉ đến từ công tác quản lý ở cơ sở mà còn xuất phát từ những thăng trầm sau hơn chục năm trực tiếp sản xuất của bản thân.
Hiện nay, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt 280 ngàn héc-ta, trong đó có hơn 8.593 ha nuôi tôm công nghiệp. Đặc biệt, trong số diện tích nuôi tôm công nghiệp có hơn 2.499 ha nuôi theo loại hình siêu thâm canh. Đây là loại hình nuôi mà nhiều người cho là siêu lợi nhuận nhưng cũng lắm rủi ro.
Những con số nhiều sức hút…
Loại hình nuôi tôm siêu thâm canh bắt đầu phát triển mạnh vào cuối năm 2016, đầu năm 2017. Đây là loại hình mang lại hiệu quả rất cao, với năng suất bình quân từ 40-50 tấn/ha diện tích mặt nước/vụ và tỷ lệ thành công trên 85%. Nếu chỉ nhìn vào con số này thì quả thật đây là nghề mang về siêu lợi nhuận. Vì chỉ cần 1 ha, vụ nuôi khoảng 3 tháng có thể mang về hàng tỷ đồng.
Sự hấp dẫn của những con số trên đã khiến không ít người dồn hết vốn liếng lao vào với giấc mơ đổi đời nhanh. Từ đó khiến diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tăng nhanh đột biến vào khoảng thời gian cuối năm 2017, đầu năm 2018. Nhớ lại khoảng thời gian này, ông Tấn chia sẻ, những ao nuôi trải bạc thành công rất cao, năng suất ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Lúc ấy mỗi ao nuôi khoảng 1.200 m2 mang lại lợi nhuận từ 500-700 triệu đồng là chuyện không khó.
Nhắc về hiệu quả khi mới chuyển qua mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ao trải bạt cách đây hơn 2 năm, ông Huỳnh Văn Đường, ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, kể vanh vách: "Sau 3 tháng nuôi, ao tôm chỉ 1.200 m2 cho thu hoạch hơn 7,3 tấn, loại 25,3 con/kg. Với giá thương lái thu mua tại đầm tôm là 194 ngàn đồng/kg, sau khi trừ đi tất cả chi phí còn lời gần 800 triệu đồng. Một lợi nhuận mà dù đã mấy mươi năm theo nghề nuôi tôm cũng không thể nghĩ tới là có thật. Không riêng trên địa bàn huyện Đầm Dơi, những hộ tiên phong nuôi theo mô hình ao trải bạt tại huyện Cái Nước, Phú Tân… những năm ấy đều thắng đậm.
Thời điểm này chỉ khoảng 55% ao, đầm được thả giống, số còn lại người dân đang trong quá trình cải tạo và treo ao.
Những con số đầy sức hút lan toả khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Nhiều người đổ xô đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh. Còn nhớ thời gian này, đi đến đâu trên địa bàn tỉnh cũng nghe bàn về nuôi tôm siêu thâm canh khiến diện tích tăng đột biến, vượt ngoài kiểm soát của chính quyền địa phương. Bất chấp những điều kiện quy định của tỉnh, hộ đủ điều kiện cũng nuôi, hộ không đủ điều kiện cũng nuôi, mọi người đều háo hức thực hiện giấc mơ đổi đời. Thế nhưng, “đời không như là mơ”, bên cạnh nhiều hộ thành công cũng có không ít hộ phải nếm “trái đắng”.
Những rủi ro chực chờ
Tân Duyệt là vùng nuôi tôm công nhiệp và tôm siêu thâm canh trọng điểm của huyện Đầm Dơi cũng như của tỉnh, với 89 ha nuôi tôm thâm canh và hơn 220 ha nuôi tôm siêu thâm canh. Mặc dù đang trong vụ nuôi chính của năm 2020, nhưng dọc theo tuyến đường về đến trung tâm xã, số ao nuôi đang treo đầm gần như tương đương với số ao đang thả nuôi. Ông Kiều Minh Tấn cung cấp một thông tin thực tế là: Hiện nay chỉ có khoảng 55% diện tích đang thả nuôi, số còn lại một phần bà con đang cải tạo ao đầm, một phần do bà con hết vốn.
Là Phó chủ tịch UBND xã nhưng ông Tấn cũng được xếp vào hàng những cánh chim đầu đàn trong nghề nuôi tôm công nghiệp ở đây, kể cả đối với loại hình nuôi tôm siêu thâm canh. Ông Tấn là người thứ 2 áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ao trải bạt trên địa bàn xã, với mức đầu tư khá lớn trên diện tích 2,5 ha.
Vừa có kiến thức, lại có điều kiện về kinh tế và tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nhưng đã qua hơn 10 năm gắn bó với con tôm công nghiệp và hiện nay là tôm siêu thâm canh, ông Tấn không ít lần thất bại. Ông Tấn chân tình: "Cả năm 2019 chỉ thành công được 1 vụ cuối năm khi thu hoạch được khoảng 15 tấn tôm. Với số lượng ao nuôi và diện tích phục vụ hoạt động nuôi thì sản lượng trên gần như không có lãi".
Tôm sống tiêu thụ mạnh, giá cao.
Khi hỏi trên địa bàn xã ai là người được xem là nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh giỏi nhất? Trả lời câu hỏi này, ông Tấn khẳng định chắc nịch: Đối với nghề này, không ai dám nói là mình giỏi, bởi ai cũng phải chịu thất bại, chỉ là ít hay nhiều. Làm nghề này, từ vui chuyển sang buồn nhanh lắm, chỉ cần vài giờ đồng hồ là mất bạc trăm triệu như không.
“Nếu đầu tư bài bản và có chút kiến thức, kinh nghiệm thì thất bại ít hơn. Nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh không phải ai muốn là nuôi được, đòi hỏi điều kiện rất cao từ vốn, kỹ thuật cho đến tâm huyết…”, ông Tấn chia sẻ.
Trong thời gian rong ruổi trên vùng đất Đầm Dơi, thủ phủ của nghề nuôi tôm công nghiệp, những thông tin ngoài lề khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Một số người dân truyền tai nhau rằng, gia đình ông Sáu Non (Đào Văn Non) đang rao bán đất. Hơn 15 năm theo nghề này, ông Sáu Non là một trong những lão nông dày dạn kinh nghiệm với những hiểu biết bài bản, nhất là tiềm lực tài chính trong nghề nuôi tôm công nghiệp và tôm siêu thâm canh. Với bề dày kinh nghiệm, tâm huyết với con tôm cũng như lối sống hoà đồng, thường xuyên giúp đỡ người khác, ông Sáu Non từng được người dân trong nghề tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX nuôi tôm Đoàn Kết, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt. Trong suốt thời gian làm Giám đốc HTX, ông đã dìu dắt, giúp đỡ nhiều xã viên mới vào nghề vươn lên khá giả từ con tôm công nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này chính gia đình ông Sáu Non lại gặp khó khăn, một phần đến từ con tôm siêu thâm canh.