Phu cá Đà Nẵng tất bật ngày cận Tết
Những ngày cận Tết, “phi đội” phu cá nơi âu thuyền chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) vẫn tất bật mưu sinh để kiếm chút tiền về sắm Tết.
0 giờ đêm, mặc cái se lạnh cuối năm, cảng cá hoạt động. Vài tàu thuyền cập bờ, những phu cá nhanh nhẹn, tất bật bắt tay vào công việc.
Gọi là “chợ người” vì họ bán cái duy nhất là sức khỏe, những đòn quang gánh cá của mình. Chẳng ai nhớ cái nghề này thịnh hành từ lúc nào. Chỉ biết theo quy luật cung-cầu, cánh tư thương, đầu nậu cần có một loại hình vận chuyển cá từ chợ ra chỗ tập trung, hoặc từ ghe thuyền lên chợ. Thế là cánh phu cá ra đời. Tất thảy đều là phụ nữ.
60 tuổi, cụ Nguyễn Thị Giá (quê Quế Sơn, Quảng Nam) vớ vội quang gánh bắt đầu công việc. Dáng người gầy nhòm nhưng cụ Giá tỏ ra khá rắn rỏi, gánh trên vai những chậu cá nặng trĩu.
Ngày nào cũng thế, cụ Giá thức dậy 0 giờ, cùng các “đồng nghiệp” tập kết bết cá. Tùy theo chủ hàng thuê, mỗi gánh hàng là những sọt cá nặng nhé, vận chuyển trên quãng đường vài trăm mét.
Thấm thoát, cụ Giá có gần nửa đời người gắn cá với bến cá. Con cụ, chị Hồ Thị Xuân Thu (30 tuổi), cũng nối nghiệp mẹ mưu sinh nơi chợ cá lớn nhất Đà Nẵng. Chị Thu bảo: ngày nào “chạy” tốt kiếm được hơn trăm bạc, ngày ế thì vài chục nghìn. Có khi chẳng đủ bữa ăn sáng.
Theo các “phu cá”, ngày càng nhiều người thất nghiệp dạt về bến cá. Lúc cao điểm có vài trăm người. Cận Tết tàu cá về ít, hàng gánh giảm, ai cũng nhìn nhau ngán ngẩm.
“Nhắc đến Tết mà sợ, năm ngoái còn dành dụm được chút đỉnh, năm nay bạn hàng, đầu nậu cũng gặp khó huống chi là nghề mình”, cụ Học, một trong những phu cá nói.
Giữa cao điểm chuyển hàng, nhiều quang gánh phải để không bên hành lang. Không ít phu cá ế hàng vì không được mua “sức gánh”. Bà Trần Nêm (57 tuổi, trú Thọ Quang, Sơn Trà), một trong ít phu cá bản địa còn sót lại, ngán ngẩm: chưa năm nào dịp cuối năm lại ít cá như năm nay. Tàu thuyền về ít, sản lượng giảm, chẳng mấy ai thuê mướn, trong khi người gánh cá nhiều hơn... cả cá. Hàng chục năm gánh cá mưu sinh, bà Nêm từng nhiều lần chuyển nghề, sang bán nước mía, xôi chè nhưng rồi phải quay lại cùng bến cá.
“Làm gì cũng khó khăn cả nhưng gánh cá ít vốn hơn, không sợ bị thua lỗ”, bà Nêm nói. Ngày trước giới phu cá chủ yếu người Đà Nẵng, nay đủ cả người Huế, Quảng Nam.
Gánh cá, “gánh” con vào đại học
Cô Nguyễn Thị Hạnh (48 tuổi, Bình Chánh, Thăng Bình, Quảng Nam) ngồi bậc tam cấp góc chợ, ngửa nón đổ mớ tiền lẻ trong túi, cẩn thận xếp lại từng đồng. 8 tiếng đồng hồ mưu sinh, cô Hạnh nhẩm đếm số tiền 110.000 đồng.
“Hôm nay may mà toàn mối quen, không thì giống như mấy chị bạn chỉ được vài chục nghìn”, cô Hạnh nói. Chồng mất vì bạo bệnh hơn chục năm nay, một mình cố Hạnh gồng gánh 2 con dại. Nhà làm nông, cô Hạnh tranh thủ nuôi heo. Đang đến độ xuất chuồng, heo đổ bệnh tai xanh. Mất trắng, nợ nần, cô Hạnh dạt ra bến cá kiếm sống. Con trai lớn Lê Đức Trí từng phải gửi nuôi ở Làng trẻ Hi vọng S.O.S (Đà Nẵng).
Giọng cô chớm vui: sáng nay, con nó nó hẹn xuống lấy tiền đóng học phí để chuẩn bị về nghỉ Tết. Nhà nghèo, nhưng Trí gắng học, đỗ năm đầu ngành Kỹ thuật ô tô (ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Đời mình khổ rồi, chỉ mong con có cái chữ là vui.
Từ ngày con nhập học, toàn bộ số tiền dành dụm từ cảng cá, cô Hạnh chắt chiu cho con ăn học. Cô Hạnh tự hào: suốt các năm phổ thông cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nếu ba cháu còn, chắc cháu bớt cơ cực hơn. Tết này hết tiền sắm Tết nhưng niềm vui là thấy con được học hành, đúng nguyện vọng.
Cùng cảnh ngộ, cô Trần Hoài (49 tuổi, quê Thăng Bình), có con gái đang theo học năm 2 ĐH Kinh tế Đà Nẵng. “Con cái thấy mình vất vả, gắng học để không phụ lòng bố mẹ là vui rồi. Mình vất vả thêm chút cũng không sao. Mong cuối năm, tàu thuyền về nhiều nhiều chút, để có thêm chút đỉnh mua cho các con cái áo mới, du xuân”, cô Hoài bộc bạch.