Phú Quý kỳ vọng kinh tế biển
Cách TP. Phan Thiết 56 hải lý theo hướng Đông - Đông Nam, giữa trùng khơi bốn bề biển cả là huyện đảo Phú Quý. Do có vị trí địa lý đặc thù nên người dân và chính quyền nơi đây luôn xác định kinh tế biển là đòn bẩy đưa Phú Quý vươn lên…
Tại huyện đảo, khai thác và nuôi trồng hải sản là ngành nghề truyền thống và hoạt động sôi nổi nhất. Tính đến nay, năng lực tàu thuyền trên toàn địa bàn có 1.197 chiếc/103.847 CV, con số này nếu so nửa đầu năm ngoái tăng thêm 6 chiếc, mà chủ yếu là thuyền công suất lớn hơn 90 CV. Đặc biệt đội tàu làm dịch vụ thu mua và chế biến hải sản trên biển hiện nay đã lên 99 chiếc/44.809 CV, sẵn sàng vươn khơi phục vụ ngư trường… Trong 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng khai thác hải sản của Phú Quý ước đạt 13.831 tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ năm ngoái và gần bằng 58% so kế hoạch năm nay.
Bên cạnh việc đánh bắt xa bờ đạt kết quả khả quan do điều kiện thời tiết thuận lợi, hoạt động nuôi trồng hải sản bằng lồng bè tại Phú Quý cũng có nét khởi sắc. Toàn huyện đảo hiện có 70 cơ sở tham gia nuôi các loại hải đặc sản cho giá trị kinh tế cao với tổng diện tích mặt nước là 10.730 m2, theo ghi nhận của địa phương thì từ đầu năm đến nay không có dịch bệnh bất thường xảy ra. Với tình hình này, sản lượng hải sản xuất lồng ước thực hiện trong nửa đầu năm 2015 đạt khoảng 34,5 tấn, tăng 1,5 tấn so cùng kỳ… Song song đó, công tác bảo vệ nguồn lợi đã được lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp khai thác rạn san hô, thảm thực vật quanh đảo. Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, đến giữa năm nay Phú Quý đã có 81 trường hợp vay vốn đóng tàu công suất lớn được xét duyệt, với tổng số tiền 672.600 triệu đồng.
Nuôi cá bằng lồng bè ở huyện đảo.
Theo UBND huyện, vốn ngân sách nhà nước phân khai đầu tư trên địa bàn Phú Quý trong năm 2015 là 177.705 triệu đồng, trong đó riêng nguồn vốn Chương trình mục tiêu biển Đông - hải đảo có 103.000 triệu đồng. Từ nguồn vốn giải ngân trong 6 tháng qua, hiện một số công trình ở nơi đầu sóng ngọn gió đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà. Trong đó có: Khối nhà làm việc các ban Đảng, tuyến đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ Bảo hiểm xã hội đến Trường THCS Ngũ Phụng), đường từ ngã ba cảng Phú Quý đến vịnh Triều Dương…
Bước sang nửa cuối năm 2015, huyện đảo vẫn đề ra nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện tốt các biện pháp để đẩy mạnh kinh tế biển gắn với tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản. Đồng thời địa phương sẽ nỗ lực để từng bước hiện đại hóa phương tiện cũng như kỹ thuật nhằm phục vụ đánh bắt và khai thác hải sản, đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng. Trước mắt là duy trì đội tàu dịch vụ thu mua và chế biến hải sản trên biển, nâng cao hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Thanh, phát triển bền vững mô hình câu mực ngày ở xã Ngũ Phụng… Còn trong thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, sắp tới Phú Quý sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân sớm tiếp cận nguồn vốn. Qua đó đầu tư phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, đủ sức vươn khơi bám biển dài ngày, khẳng định thế mạnh kinh tế biển của huyện đảo giữa biển Đông.