Phú Yên: khó kiểm soát con giống
Trong những năm qua, tôm thẻ chân trắng vẫn là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh, tạo nguồn thu và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm nhất hiện nay đối với người nuôi tôm là chất lượng con giống.
Khó kiểm soát con giống
Theo Sở NN-PTNT, năm 2016, tổng diện tích nuôi thủy sản các loại trên địa bàn tỉnh khoảng 2.620ha, trong đó có khoảng 2.030ha nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú với sản lượng tôm nuôi đạt hơn 6.700 tấn. Còn từ đầu năm 2017 đến nay, người dân ở Phú Yên đã thả nuôi khoảng 1.000ha tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay đối với người nuôi tôm là chất lượng con giống, vì tôm giống khỏe mạnh và sạch bệnh là yếu tố thành công đầu tiên trong quá trình thả nuôi.
Theo ông Nguyễn Bút, người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), chất lượng con giống tôm thẻ hiện nay có nhiều vấn đề. Hiện trên thị trường có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống đến từng hộ nuôi để chào hàng, tuy nhiên người nuôi không thể nhận biết được đâu là con giống sạch bệnh. Qua kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm, ông Bút nhận thấy có nhiều lô tôm giống mua về đầy đủ giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng, nhưng thả nuôi chưa bao lâu đã xuất hiện bệnh làm cho người nuôi thiệt hại rất lớn. Có thể trong quá trình nuôi sẽ phát sinh dịch bệnh trên tôm, nhưng những trường hợp này người nuôi vẫn khẳng định khâu kiểm dịch chất lượng tôm có vấn đề. Hiện nay, đa số người nuôi tôm lựa chọn con giống của các cơ sở sản xuất có thương hiệu.
Ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết thời gian qua có hiện tượng một số cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn sử dụng tôm thịt nuôi gia cố rồi chuyển sang con giống. Việc sử dụng tôm thịt để làm giống bố mẹ sẽ cho ra đàn tôm giống kém chất lượng. Mới đây, đơn vị đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra một số cơ sở sản xuất tôm giống tại thị trấn Hòa Hiệp Trung, phát hiện khoảng 1.600 con tôm giống bố mẹ không rõ nguồn gốc nên đoàn công tác đã lập biên bản xử lý hành chính và tiêu hủy toàn bộ số tôm giống nói trên. Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT), cho hay: Con giống bố mẹ đối với tôm thẻ chân trắng nhập từ nước ngoài cũng cần xem lại chất lượng. Tôm thẻ chân trắng có nguồn gốc chính từ Hawaii, tuy nhiên loại tôm giống này nhập về Việt Nam chủ yếu từ Singapore. Việc quản lý tôm giống từ nước ngoài nhập về là thẩm quyền của các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT nên địa phương không thể xác định được nguồn gốc thật sự của nó.
Ông Nguyễn Minh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT), cho biết: Năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 55 cơ sở sản xuất giống thủy sản các loại, trong đó có 34 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú, với sản lượng khoảng 1,8 tỉ con giống. Từ đầu năm 2017 đến nay, qua kiểm tra trên địa bàn tỉnh có 73 cơ sở sản xuất giống thủy sản các loại. Trong số các cơ sở nói trên chỉ có khoảng 10 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng giống có quy mô lớn, còn lại là các cơ sở nhỏ, sản xuất theo mùa vụ nên năng suất không cao. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và thú y đã kiểm dịch được khoảng 65 triệu con tôm giống post và hơn 20.000 con cá giống xuất bán ra ngoài tỉnh. “Công tác kiểm soát và kiểm dịch một số đối tượng giống thủy sản hiện nay đang gặp khó khăn. Một số cơ sở thường trốn tránh, không khai báo, không đăng ký kiểm dịch khi xuất bán giống đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm dịch giống thủy sản. Mặt khác, do sản xuất giống nhỏ lẻ, thời gian xuất bán giống không cố định, lực lượng cán bộ chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và thú y mỏng nên việc giám sát, xử lý gặp khó khăn và chưa chủ động được”, ông Nguyễn Minh Phát cho biết thêm.
Cần tăng cường quản lý
Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có 4 khu sản xuất giống thủy sản tập trung với diện tích khoảng 55,2ha gồm Xuân Hải, Xuân Hòa (TX Sông Cầu), An Hải (huyện Tuy An) và thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) với công suất quy hoạch trên 3 tỉ con giống/năm. Số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu về tỉnh trong năm 2016 trên 6.110 con, trong đó Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) thực hiện kiểm tra chất lượng theo ủy quyền của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) gần 2.300 con, còn lại do Tổng cục Thủy sản kiểm tra. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở sản xuất giống thủy sản được công nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn sinh học. Phần lớn các cơ sở sản xuất giống thủy sản còn lại chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong hoạt động sản xuất giống. Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Theo quy định, hiện nay không thực hiện kiểm dịch tôm giống post khi xuất bán trong tỉnh, do đó có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng tôm giống.
Một thực trạng hiện nay đối với phần lớn cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh là chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong hoạt động sản xuất giống. Tỉnh cần đầu tư và quy hoạch bài bản các khu sản xuất giống thủy sản tập trung, hướng đến sản xuất con giống thủy sản đạt chất lượng cao.
Để tăng cường quản lý chất lượng con giống thủy sản, ông Nguyễn Minh Phát đưa ra một số giải pháp: Chi cục Chăn nuôi và thú y tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống thủy sản đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Theo quy định, hiện nay đã bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, nên các cơ sở sản xuất cần thực hiện xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm trên các lô giống thủy sản cung ứng ra thị trường hoặc thực hiện giám sát bệnh định kỳ trên giống thủy sản…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra chất lượng động vật thủy sản nhập vào tỉnh, không để động vật chưa qua kiểm dịch từ ngoài tỉnh lưu thông, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Sở NN-PTNT sớm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT kiểm tra xuất xứ tôm bố mẹ ở nước ngoài nhập giống vào tỉnh.