Phương pháp trị ký sinh trùng mới được tìm thấy trên cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương
Cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương là một trong những đối tượng nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh nhất nhờ giá bán cao và nhu cầu lớn từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong hội nghị “ Thủy sản 2013: hướng đến sự bền vững nuôi trồng thủy sản toàn cầu” tại Gran Canaria, Tây Ban Nha, Lucy Towers, biên tập của TheFishSite đã nhận định rằng: trong những năm gần đây, cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương chưa thành thục được nuôi nhân tạo ở Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi những ký sinh trùng dẫn đến tỷ lệ chết cao.
Theo Tiến sĩ S. Shirakashi, Đại học Kinki, Nhật Bản có 2 loại ký sinh trùng khác nhau ảnh hưởng đến cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương là Cordicola orientalis (ảnh hưởng mang cá) và Cordicola opisthorchis (ảnh hưởng tim cá).
Những ký sinh trùng trên đẻ trứng và trứng được tích tụ dần trên các phiến mang làm tắc nghẽn mạch máu dẫn đến tỷ lệ chết cao trên cá chưa thành thục.
Tiến sĩ Shirakashi cho rằng cá ngừ không có dấu hiệu nào bị nhiễm ký sinh trùng khi còn ở trong trại giống nhưng các dấu hiệu bị nhiễm ký sinh trùng xuất hiện khi cá giống được chuyển ra các lồng bè nuôi trên biển. Ông cũng nhận định rằng không có hoặc có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng thấp sau 7 tháng nuôi. Để tìm ra phương pháp điều trị ký sinh trùng Cordicola, Tiến sĩ Shirakashi thử nghiệm dùng Praziquantel (PZQ) ở các liều khác nhau. Sau khi được điều trị bằng cách trộn vào thức ăn trong 3 ngày, PZQ tiêu diệt được phần lớn ký sinh trùng. Số lượng trứng cũng suy giảm nhưng PZQ phải được dùng ở liều cao.
Nhìn chung, Tiến sĩ Shirakashi cho rằng liều thấp nhất cần thiết để điều trị có tác dụng là 3,75 – 7,5 mg/kg/trọng lượng cá/ngày. Ông cũng nhấn mạnh rằng PZQ đã được chứng nhận an toàn để sử dụng và hiệu quả điều trị có tác dụng chỉ trong một thời gian ngắn sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên vì thuốc chưa được chấp thuận để sử dụng trong điều trị Cordicola, ông đã gửi đơn yêu cầu đến chính phủ Nhật để có được chứng nhận.