Quản lý chất lượng tôm xuất khẩu: Trị tận gốc từ con giống
Theo các chuyên gia, để quản lý chất lượng con tôm, vấn đề đầu tiên cần được xử lý là đảm bảo chất lượng nguồn con giống.
Năm 2015, Việt Nam có gần 600 lô hàng thủy sản bị 38 nước nhập khẩu trả về, trong đó tôm chiếm tỷ lệ khoảng 50% số hàng. Lý do hàng bị trả về là do các lô hàng tôm bị nhiễm kháng sinh, chất cấm. Trước tình trạng này, việc nâng cao chất lượng con tôm là nhu cầu cần thiết hàng đầu.
Để quản lý chất lượng con tôm, vấn đề đầu tiên cần được đơn vị quản lý quan tâm là con giống từ nguồn sản xuất. Tôm giống kém chất lượng dễ mắc các dịch bệnh, để giảm bớt thiệt hại, người nông dân phải dùng hóa chất, thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh. Tuy nhiên, không phải người nông dân nào cũng biết rõ các kiến thức sử dụng các chất này. Đây cũng là nguyên nhân khiến tôm nuôi có tồn dư hàm lượng kháng sinh hoặc hóa chất vượt mức cho phép.
Theo tư vấn từ ông Lương Thanh Văn – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc (một đơn vị sản xuất tôm giống), để đảm bảo tôm giống tốt, người nông dân cần chọn lựa giống bố mẹ chuẩn, không bị bệnh tật, có đề kháng cao. Trong khi đưa tôm bố mẹ vào sản xuất, người nông dân còn phải đo lượng dinh dưỡng cho con giống, theo dõi liên tục theo từng cữ ăn.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, một giải pháp khác để nâng cao chất lượng tôm đang được phát triển hiện nay là xây dựng mô hình nuôi tôm sạch bệnh theo công nghệ cao, điển hình như mô hình nuôi tôm sinh thái tại Sóc Trăng, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại Bạc Liêu.
Bên cạnh quản lý đầu vào, một vấn đề cũng cần được quan tâm là chế biến xuất khẩu. Để nâng cao chất lượng con tôm Việt Nam, các doanh nghiệp cần có cuộc cách mạng dây chuyên sản xuất nhằm kiểm soát tạp chất từ nguyên liệu đầu vào, đảm bảo an toàn thực phẩm.