Quản lý nuôi trồng thủy sản bền vững
Theo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản cho thấy chất lượng môi trường một số vùng nuôi trồng thủy sản có nhiều biến động, đó là hiện tượng tích tụ chất hữu cơ ngày càng tăng, một số yếu tố môi trường như khí độc có giá trị vượt giới hạn cho phép.
Nhằm hạn chế thiệt hại, thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững. Ngày 27 thánh 4 năm 2018, Tổng cục Thủy sản đã có Công văn số 1453/TCTS-NTTS về việc hướng dẫn, quản lý nuôi trồng thủy sản bền vững. Theo đó, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung như:
- Chỉ đạo thực hiện nuôi tôm nước lợ, nuôi nghêu, cá rô phi, cá tra, tôm hùm và các đối tượng khác theo đúng quy hoạch của từng địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
- Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt kế hoạch.
- Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn địa phương làm tốt công tác phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại vùng nuôi để hạn chế hiện tượng thủy sản chết hàng loạt do môi trường, dịch bệnh…
- Chỉ đạo, hướng dẫn cho người nuôi tại địa phương biện pháp quản lý môi trường nuôi, kỹ thuật nuôi một số đối tượng chủ lực gồm: tôm nước lợ, cá tra, nghêu, cá rô phi và tôm hùm.
- Lấy phương châm phòng bệnh là chính khi thủy sản nuôi bị bệnh, thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của cơ sở sản xuất thủy sản, người dân về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật bảo vệ môi trường.
Đồng thời, để hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi, cần tính toán khẩu phần thức ăn phù hợp để tránh dư thừa, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi; Cấp nước vào ao lắng để xử lý trước khi cấp cho ao nuôi. Thời điểm lấy nước lúc đỉnh triều qua túi lọc. Duy trì mực nước trong ao nuôi 1,2 – 1,5m để các yếu tố nhiệt độ, pH và độ mặn trong ao nuôi được ổn định. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định độ pH, độ mặn, độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc H2S, NH3, NO2. Thường xuyên thay nước đáy ao, kiểm tra sức ăn của tôm trong nhá, vó để điều chỉnh phù hợp. Tăng cường bổ sung Vitamin C, men vi sinh và khoáng vi lượng vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.
Để hạn chế hiện tượng nghêu chết hàng loạt, khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên thả giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi, không nuôi nghêu ở những vùng nước nông có thời gian phơi bãi dài từ 6 – 8h trở lên; Đối với nghêu đạt cỡ thu hoạch (50 – 70 con/kg) cần vận động người nuôi khẩn trương thu hoạch, tránh thiệt hạn xảy ra; Duy trì mật độ nuôi phù hợp, đối với nghêu chưa đạt cỡ thu hoạch tiến hành kiểm tra mật độ để có kế hoạch chủ động san thưa, đảm bảo mật độ nuôi từ 180 – 200 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 400 – 600 con/kg, dưới 250 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 500 – 800 con/kg; 250 – 350 con/m2 đối với cỡ nuôi từ 800 – 2000 con/kg; San phẳng mặt bãi nuôi, khai thông các vùng nước đọng lại ở các bãi nghêu để tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, giảm thiểu ảnh hưởng của nhiệt độ cao trong ngày làm nghêu yếu và chết. Để phòng tránh thiệt hại sau mỗi đợt mưa bão, cần vệ sinh ngay mặt bãi, vây cọc, tu sữa chân vây lưới, tạo sự thông thoáng cho nước triều lên xuống. San thưa mật độ nghêu dồn vào chân vây phía cuối theo hướng gió hoặc dòng chảy; Thường xuyên quan sát bãi nuôi, khi có hiện tượng bất thường hoặc bị chết, người nuôi cần có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời và thông báo ngay các cơ quan chức năng biết.