Quản lý tổng hợp đới bờ để gìn giữ hệ sinh thái biển
Quản lý tổng hợp đới bờ - một phương thức quản lý hiệu quả tài nguyên và môi trường biển, hướng tới sự phát triển bền vững. Vì vậy, sau khi có Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, Cục Quản lý Khai thác biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên – Môi trường) đã có dự án xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình truyền thông về quản lý tổng hợp đới bờ giai đoạn 2011-2013. Phóng viên Báo Bình Thuận đã trao đổi với ông Dương Văn Thái, Chủ nhiệm dự án xung quanh nội dung quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB).
Thưa ông, việc quản lý tổng hợp đới bờ nhằm mục tiêu gì?
Ông Dương Văn Thái: Mục tiêu chung của Chương trình QLTHĐB là đảm bảo việc sử dụng bền vững, tốt nhất các tài nguyên thiên nhiên tại vùng ven bờ và duy trì lợi ích nhiều nhất từ môi trường tự nhiên. Về mặt thực tế, Chương trình QLTHĐB hỗ trợ các mục tiêu quản lý thông qua việc đưa ra cơ sở cho việc sử dụng bền vững các tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn ngừa thiên tai, kiểm soát ô nhiễm, tăng cường lợi ích, phát triển nền kinh tế bền vững. Mục tiêu cụ thể bao gồm: hỗ trợ ngành thủy sản, thu hút khách du lịch, nâng cao sức khỏe cộng đồng, tăng cường nhận thức cộng đồng, duy trì sản lượng sản phẩm có được từ các vùng ngập mặn… Tất cả những điều này đòi hỏi sự hành động của cộng đồng phải được điều phối tốt, đó chính là mục tiêu mà QLTHĐB cần làm.
Ông Dương Văn Thái, Chủ nhiệm dự án xung quanh nội dung quản lý tổng hợp đới bờ.
Ông nói rõ hơn mục tiêu công tác truyền thông cần đạt được?
Ông Dương Văn Thái: Để thực hiện tốt Chương trình QLTHĐB, công tác truyền thông phải đi trước một bước, phấn đấu trong năm 2013, trên 50% lãnh đạo, cán bộ, công chức tại 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) được nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp đới bờ. Trên 20% các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hoạt động vùng bờ tại 14 tỉnh, thành phố nói trên được nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp đới bờ, đồng thời cam kết thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững; trên 30% dân cư đang có các hoạt động khai thác, sử dụng gắn với tài nguyên và môi trường vùng bờ được phổ biến kiến thức, nhằm nâng cao nhận thức về giá trị tài nguyên vùng bờ và nguyên tắc thực hiện QLTHĐB.
Trong năm 2013 dự án được triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Dương Văn Thái: Dự án sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động phong phú như: tổ chức hội nghị, báo cáo viên, tuyên truyền viên, họp nhóm, làm thí điểm và đến từng hộ gia đình tổ chức tư vấn cũng như sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi để gửi thông điệp về QLTHĐB tới tất cả các nhóm đối tượng của 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có biển.
Tại Bình Thuận dự án này được triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Dương Văn Thái: Trong tháng 7/2013, Cục Quản lý Khai thác biển và hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị có liên quan, Sở Tài nguyên – Môi trường địa phương tổ chức các lớp tập huấn về quản lý tổng hợp đới bờ, trong đó có báo cáo về tình hình thực hiện chương trình QLTHĐB tại Bình Thuận. Đồng thời, Sở Tài nguyên - Môi trường đã giới thiệu khái quát chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven bờ tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt ngày 5/7/2013. Hy vọng qua triển khai, tập huấn các ngành, địa phương và nhân dân sẽ thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống, duy trì đa dạng sinh học và giảm thiểu thiên tai tại các địa phương ven biển.