Quản lý trên cấp độ vùng - bước đi cơ bản đưa ngành cá tra đến sự bền vững
Ngành cá tra đang phải đối mặt với nhiều khó khan, bên cạnh những thách thức khách quan từ phía thị trường cũng có không ít khó khăn chủ quan, mà nổi cộm là thiếu tiếng nói chung của các thành phần tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.
Rất cần tiếng nói chung giữa các thành phần trong chuỗi giá trị cá tra
Một thực tế đáng buồn là nhiều tác nhân tham gia chuỗi giá trị cá tra hiện nay, chỉ vì chạy theo lợi ích cá nhân, cục bộ, mà gây tổn hại đến lợi ích chung của toàn ngành.
Có thể lấy ví dụ từ những người nuôi cá trên một địa bàn. Hầu như chưa ở đâu xây dựng được kế hoạch chia sẻ nguồn nước giữa những người nuôi, giữa hoạt động nuôi cá với các ngành sản xuất kinh doanh khác. Cũng chưa có quy định về trách nhiệm của ngành này với ngành khác, cũng như trách nhiệm đối với môi trường, xã hội. Hậu quả là việc tranh chấp nguồn nước sử dụng ngày càng gay gắt, chất lượng môi trường suy giảm, dịch bệnh xảy ra thường xuyên hơn và khó kiểm soát hơn.
Các nguyên liệu cho nuôi như thuốc, hóa chất, thức ăn,… phần lớn đều do DN nước ngoài chi phối. Vì thế, trong thời gian qua, mặc dù giá cá sụt giảm , giá thức ăn vẫn đi theo hướng ngược lại, chỉ có tăng chứ không giảm, hoặc chỉ giảm với tỷ lệ rất thấp. Nhưng trong chuỗi sản xuất, lợi ích của mọi người đều gắn với nhau. Khi người nuôi thua lỗ, ngừng sản xuất, lợi nhuận của người làm thức ăn cũng không còn.
Trong cộng đồng DN thủy sản cũng tồn tại một bộ phận cạnh tranh thiếu lành mạnh. Chỉ có 70 nhà máy chế biến, nhưng lại có tới trên 300 nhà XK, nên không tránh khỏi ranh mua, tranh bán, chào bán giá thấp, bán trước lấy tiền sau, chất lượng hàng hóa không cao, làm phương hại đến uy tín và hình ảnh cá tra trên thị trường thế giới. DN thiếu vốn tìm cách chiếm dụng vốn của nông dân bằng cách mua chịu sản phẩm 30 đến 60 ngày. Trong thời gian đó nông dân vẫn phải trả lãi ngân hàng, thành ra họ phải chịu thiệt hại kép. Đến lượt mình, khi thị trường khó khăn, DN XK lại bị đối tác NK ép giá, mua chịu hàng, tạo thành cái vòng nợ nần luẩn quẩn, không lối thoát.
Ở một khía cạnh khác, khi thuận lợi, hê thống ngân hàng tỏ ra rất “phóng khoáng”, rộng tay cung cấp tín dụng cho nông dân và DN, không cần săm soi việc sử dụng nguồn vốn có đúng mục đích hay không. Đến khi hoạn nạn, sợ phải gánh phần thua thiệt, ngân hàng lại phản ứng máy móc, đột ngột cắt giảm nguồn tín dụng, bất chấp đó là DN làm ăn hiệu quả hay dự án hoàn toàn khả thi. Do vậy, ngành sản xuất bị tê liệt, còn ngân hàng thì “nghẹn” vốn, toàn hệ thống đều lâm vào khủng hoảng.
Các thành phần trong chuỗi sản phẩm phải hiểu rằng, thuận lợi, khó khăn của mỗi thành phần, mỗi khâu trong chuỗi đều chịu ảnh hưởng và có tác động đến những thành phần khác, bộ phận khác. Lợi ích hay thiệt hại của họ cũng gắn với nhau. Bởi vậy, rất cần tìm ra đích đến chung cho mọi thành phần trong chuỗi sản phẩm.
Quản lý ở cấp độ vùng: Bước cơ bản để phát triển bền vững
Những bất ổn trong một chuỗi sản phẩm của một ngành sản xuất không phải chỉ gây ra bởi mâu thuẫn giữa từng thành phần đơn lẻ trong từng chuỗi cụ thể, mà là do mọi thành phần tham gia trong chuỗi của cả một vùng, một khu vực. Bởi vậy, một kế hoạch quản lý ở cấp độ vùng, xâu chuỗi tất cả các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị là rất cần thiết để đảo bảo sự phát triển ổn định và bền vững.
“Vùng” ở đây được hiểu là phạm vị địa bàn một tỉnh, một khu vực có cùng vị trí địa lý, điều kiện sản xuất, thương mại, xã hội,…trong đó các thành viên tham gia chuỗi thường xuyên có mối quan hệ, tương tác lẫn nhau. Mối quan hệ tương tác giữa các thành viên trong các vùng khác nhau có thể có tính chất và mức độ thể hiện khác nhau, bởi vậy cần có phương án quản lý khác nhau cho từng vùng.
Kinh nghiệm từ ngành cá hồi Chilê cho thấy, một mô hình nuôi thành công nhưng quản lý kém hiệu quả, đặc biệt là trong quản lý cấp vùng, vẫn không thể đảm bảo để ngành phát triển bền vững. Chilê là quốc gia sản xuất cá hồi đứng hàng thứ 2 trên thế giới và việc quản lý các chuỗi nuôi tương đối tốt, nhưng chưa quan tâm đến quản lý ở cấp độ vùng, chưa có kế hoạch ngăn chặn lây lan dịch bệnh ở quy mô vùng. Hậu quả là dịch bệnh bùng phát, nhiều trại nuôi và nhà máy chế biến phải ngừng hoạt động, 15.000 người lao động đã phải mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đối từ 4% lên 8%, chỉ số phá triển kinh tế giảm 28%. Nghiêm trọng hơn, cá hồi Chilê đã đánh mất những thị trường tiêu thụ quan trọng như Mỹ, EU.
Trước tình hình đó, một chiến lược xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện giữa các cá nhân, tổ chức tư nhân và chính phủ trong quản lý dịch bệnh ở cấp độ vùng đã được xây dựng, trong đó tập trung vào xác định quy mô vùng, thời gian tác động, khử trùng nguồn nước, nghiêm túc các qui định về vệ sinh, thực hiện chương trình tiêm chủng vắcxin, đảm bảo an toàn sinh học khi chuyển cá giữa các vùng với nhau, v.v... Kết quả đã giúp khôi phục ngành cá hồi và tạo thêm nhiều việc làm mới.
Ngược lại, ngành công nghiệp cá hồi Scotland đã liên tục phát triển vững chắc nhờ lịch sử phát triển quản lý cấp vùng lâu dài giữa các bên liên quan ngay từ những năm 1980, như xây dựng đối thoại về chính sách quản lý thủy sản, xây dựng kế hoạch quản lý dịch bệnh cấp vùng (về dịch bệnh, dịch tễ học, nguồn nước...) , xây dựng thương hiệu cá hồi Scotland nổi tiếng, v.v…
Ngành cá tra Việt Nam đang trải qua những giai đoạn phát triển tương tự cá hồi Na Uy trước đây. Những bài học kinh nghiệm nước ngoài là rất bổ ích để xây dựng chương trình quản lý ở cấp độ vùng về môi trường, thức ăn, dịch bệnh, thông qua phát triển mối liên kết các thành phần trong chuỗi sản phẩm, xây dựng các vùng nuôi mẫu với sự phối hợp của tất cả các bên có liên quan, xây dựng thương hiệu, liên kết chặt chẽ với người tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho cá tra, … Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo cho sự thành công của chiến lược quản lý ở cấp độ vùng chính là chính sách và việc thực thi quản lý phát triển đúng đắn, có cơ sở khoa học và thực tiễn của nhà nước.