Quảng Bình: Hiệu quả mô hình cá chạch bùn trên ao lót bạt
Năm 2017, mô hình nuôi thử nghiệm cá chạch bùn (cá zét) trong ao lót bạt tại thị xã Ba Đồn, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình được hội thảo mô hình đánh giá có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện của địa phương, bước đầu mở ra hướng đi mới cho việc đa dạng hóa đối tượng nuôi nước ngọt của tỉnh.
Nhằm có cơ sở để tuyên truyền nhân rộng mô hình, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình tiếp tục thực hiện mô hình tại 2 điểm xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) và xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh) với quy mô 1.200m2/2 điểm.
Ông Ngô Công Quốc xã Ngư Thủy Bắc trước đây chỉ nuôi chủ yếu cá diêu hồng và cá lóc, ông luôn mong muốn tìm một đối tượng nuôi mới phù hợp nuôi trên cát. Năm 2018, được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư hỗ trợ giống và 30% tiền thức ăn, ông đưa vào nuôi cá chạch bùn vào nuôi trong ao lót bạt với số lượng khoảng 50.000 con trên diện tích 950m2.
Theo ông Quốc, cá chạch là loại cá dễ nuôi, tỷ lệ sống cao trên 85%, ít dịch bệnh, trọng lượng khi thu hoạch đạt khoảng 30g/con. Với giá thị trường từ 100.000-120.000 đồng/kg, mô hình nuôi cá chạch bùn sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên khi nuôi cần chú ý, thông thường cho ăn 3 lần/ngày nhưng qua theo dõi cho thấy một số cá khi ăn no thường ngã bụng trên mặt nước ông nên đã giảm lượng thức ăn mỗi bữa và tăng số lượng bữa ăn lên 4-5 bữa/ngày. Ngoài ra, trong thời gian thả nuôi, thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước cần lưu thông thường xuyên, duy trì mức nước phù hợp nên môi trường ao nuôi ổn định thì tốc độ phát triển của sẽ cá nhanh.
Cá chạch bùn là đối tượng có thời gian nuôi ngắn, tránh được lũ lụt, tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. Hiệu quả của mô hình giúp bà con có thêm những định hướng chuyển đổi diện tích ao hồ, đa dạng hóa đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao trong nuôi trồng thủy sản.