Quảng Bình: Nuôi tôm trên cát: Giải pháp để khôi phục sản xuất trong mùa vụ mới
Đến thời điểm này, tuy đã gần bước vào chính vụ nuôi tôm năm 2013 nhưng không khí vào vụ tôm mới ở các hộ nuôi cũng như doanh nghiệp nuôi tôm trên cát ở tỉnh Quảng Bình khá buồn tẻ. Bên cạnh việc thiếu vốn sản xuất, vấn đề dịch bệnh tôm nuôi cũng làm cho người nuôi rất lo lắng nên dẫn đến việc các cơ sở đang treo ao...
Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía...
Theo lịch thời vụ, khoảng trung tuần tháng 4 trở đi là thời điểm người nuôi tôm ở các địa phương trong tỉnh đồng loạt xuống giống. Tuy nhiên, về các vùng nuôi tôm ở thời điểm này, theo ghi nhận của chúng tôi, người nuôi tôm chưa chuẩn bị để bước vào vụ mới.
Qua trao đổi với nhiều hộ nuôi tôm chúng tôi được biết, một thực tế đang diễn ra là bà con khó khăn về nguồn vốn, trong khi giá tôm giống, thức ăn chăn nuôi đang ở mức khá cao, nguy cơ dịch bệnh đang rình rập. Anh Võ Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hương, đóng trên địa bàn huyện Quảng Ninh chia sẻ, năm 2012 hầu hết các cơ sở nuôi cầm chắc thua lỗ, bởi vậy, việc đầu tư sản xuất cho mùa vụ năm 2013, nông dân cũng như doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Về vấn đề này, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp nuôi tôm trên cát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh do đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tại buổi làm việc, đại diện một số hộ nuôi và doanh nghiệp nuôi tôm trên cát ở huyện Bố Trạch, thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh đã báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, đồng thời đề xuất những ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh trong năm 2013.
Cụ thể, các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ hóa chất xử lý dịch bệnh kịp thời cho các hộ nuôi để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan như trong năm 2012, đi đôi với việc hỗ trợ tôm giống bảo đảm chất lượng để các cơ sở an tâm sản xuất. Mặt khác, đề nghị các ngân hàng thương mại và Quỹ tín dụng trên địa bàn có cơ chế khoanh nợ, giãn nợ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn nhằm giúp doanh nghiệp tái sản xuất để có nguồn trả nợ cũ cho ngân hàng.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Tuân đã yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan có chính sách ưu tiên và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như các hộ nuôi tôm trong tỉnh. Đặc biệt là giải quyết những khó khăn về nguồn vốn, nợ quá hạn... để giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khủng hoảng như hiện nay.
Ông Trần Đình Du, Phó giám đốc Sở NN-PTNT thông tin thêm, song song với việc thực hiện hỗ trợ con giống theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, ngành Nông nghiệp cũng đang tập trung vận động người nuôi tôm đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao hồ, hỗ trợ tìm nguồn con giống chất lượng để bà con yên tâm sản xuất.
Và thực hiện các giải pháp đồng bộ
Phát triển nuôi tôm trên cát đã mở ra một hướng đi mới trong nuôi trồng thuỷ sản đối với tỉnh ta. Tuy nhiên, để đầu tư phát triển loại hình nuôi này, cần có sự xem xét đánh giá một cách toàn diện, đặc biệt coi trọng sự phát triển bền vững (môi trường với nuôi trồng thuỷ sản).
Do vậy, ngoài sự hỗ trợ trước mắt để các cơ sở bước vào vụ nuôi mới 2013 thì lâu dài cần có chính sách, dự án hỗ trợ mang tính bền vững và hiệu quả hơn. Trước hết, để nuôi tôm trên vùng cát phát triển bền vững, có tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi phải có các bước đi cụ thể, trong đó quy hoạch vùng nuôi chiếm vị trí hàng đầu. Lâu nay, quy trình nuôi tôm trên cát tại các cơ sở nuôi thường nghe theo lời tư vấn kỹ thuật của các công ty sản xuất giống, thuốc thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi... Bởi vậy, việc sớm ban hành quy định về quản lý chất lượng giống tôm và quản lý chất lượng thức ăn, chế phẩm sinh học và thuốc hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản là điều cần thiết.
Ở tỉnh Quảng Bình, hội chứng hoại tử gan tụy chủ yếu diễn ra ở vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên cát trong cả tôm nuôi chính vụ và trái vụ, diễn biến ngày càng phức tạp với quy mô rộng lớn. Đây là loại dịch bệnh mới phát sinh nên các cơ quan chức năng của tỉnh cũng chưa có biện pháp hướng dẫn chữa trị hiệu quả, nhất là ở những vùng nuôi có môi trường không bảo đảm, quy trình quản lý chất lượng không tốt. Để hỗ trợ người nuôi tôm phát triển sản xuất trong điều kiện có nhiều yếu tố bất lợi, ngành Nông nghiệp tăng cường phối hợp với Chi cục Thú y, chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nuôi và phương án phòng, chống dịch bệnh để việc nuôi tôm mang lại hiệu quả.
Mặt khác, cần đầu tư nguồn vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm trên cát tập trung theo phương án nuôi bền vững nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, cần tăng cường công tác khuyến nông - khuyến ngư để người dân tiếp cận nhiều hơn thông tin hướng dẫn kỹ thuật từ các nhà khoa học, cơ quan quản lý. Từ đó, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và chuyển giao tiến bộ KHKT như: xây dựng mô hình VietGap; mô hình nuôi tôm sạch... Đây cũng là yêu cầu chính đáng và nguyện vọng của bà con nông dân và các doanh nghiệp nuôi tôm trên cát.
Để chủ động bước vào mùa vụ mới
Nuôi tôm trên cát hiện là một nghề có lợi nhuận cao, nếu tôm không bị bệnh và chết dưới 2 tháng tuổi thì tỷ suất lợi nhuận có thể đạt 80 - 100%/vụ (sau 3 đến 4 tháng nuôi). Theo đó, kế hoạch nuôi tôm trên cát năm 2013 của ngành nông nghiệp đã đặt ra chỉ tiêu, diện tích thả nuôi 2 vụ đạt khoảng 480 - 500 ha và sản lượng đạt 2.600 tấn. Đây được xem là một trong những mùa vụ đầy khó khăn và thử thách đối với các cơ sở nuôi. Bởi vậy, bên cạnh những động thái tích cực của các cơ quan chức năng thì các hộ nuôi và doanh nghiệp nuôi tôm trên cát cũng cần đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng cho một mùa vụ mới.
Ông Trần Đình Du, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, để bảo đảm chắc ăn, không “đánh bạc với trời”, trong quá trình triển khai thực hiện nuôi tôm các hộ nuôi và doanh nghiệp cần tuân thủ những quy định của ngành cũng như của vùng nuôi. Những năm trước, cơ quan chức năng đều đưa ra những khuyến cáo về mùa vụ với người nuôi nhưng những khuyến cáo này chưa đủ tầm quan trọng để người dân nghe và làm theo nên đã xảy ra tình trạng tôm bị dịch bệnh.
Vì vậy, rút kinh nghiệm mùa vụ trước, nông dân cũng như doanh nghiệp cần tuân thủ đúng lịch thời vụ. Tiếp nữa, người nuôi tôm nên chuẩn bị tốt môi trường ao nuôi, tiệt trùng nguồn nước đầu vào trong ao lắng hoặc ao nuôi trước khi thả tôm. Nguồn tôm giống trước khi thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, đúng tiêu chuẩn, lấy từ các trại giống có uy tín và chất lượng, trong đó chú ý kiểm tra phiếu xét nghiệm âm tính về các mầm bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy... của tôm giống.
Giống tôm thả nuôi theo phương thức nuôi ương khoảng 20 ngày trong ao với mật độ thả giống phải phù hợp cho từng vùng (mật độ thả nuôi của tôm sú theo hình thức nuôi thâm canh là 15 - 20 con/m2 và 60 - 80 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng). Mỗi vùng nuôi tôm có chung nguồn nước cấp, người nuôi tôm nên hình thành nhóm hộ để thực hiện quản lý cộng đồng. Khi có dịch bệnh xảy ra phải kịp thời báo cáo cho khuyến ngư viên và cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý; phải thực hiện “ba không” gồm: không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường. Chấp hành tốt quy định xử lý, tiêu diệt mầm bệnh theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn...
Đặc biệt, người nuôi tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt giáp xác có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật và hết sức chú ý trong việc sử dụng chế phẩm vi sinh trong quá trình quản lý môi trường ao nuôi. Cuối cùng là các hộ nuôi tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào nuôi tôm để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.