TIN THỦY SẢN

Quảng Bình: Tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67

Ảnh minh họa Ngọc Hà

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Ban Chỉ đạo 67) đánh giá tình hình hoạt động trong thời gian qua, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo 67 tỉnh chủ trì Hội nghị.

Sau gần hai năm thực hiện, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt danh sách đủ chỉ tiêu Bộ Nông nghiệp và PTNT giao với 88 tàu. Trong đó có 36 tàu vỏ thép, 50 tàu vỏ gỗ và 02 tàu vỏ composite. Đã có 43 ngư dân ký hợp đồng tín dụng, giải ngân được 221,4 tỷ đồng; có 30 trường hợp ngân hàng đang thẩm định và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng: 15 chiếc (14 vỏ gỗ và 01 vỏ thép); 16 chiếc đã hạ thủy và đang hoàn thiện công đoạn cuối (15 vỏ gỗ và 01 vỏ thép); 40 chiếc đang được thi công (20 vỏ gỗ và 20 vỏ thép). Quảng Bình được đánh giá là một trong 05 tỉnh thực hiện Nghị định 67 nhanh nhất cả nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 67 ở tỉnh Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại. Đó là có những ngân hàng chưa thực sự vào cuộc; một số ngư dân tính toán chưa kỹ lưỡng khi nộp hồ sơ tham gia; chất lượng thẩm định đối tượng vay vốn ở cơ sở chưa cao nên một số hồ sơ mặc dù đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng bị ngân hàng từ chối cho vay do không đủ điều kiện, dẫn tới tiến độ và kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu kế hoạch được giao và nhu cầu của ngư dân.

Để thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT cần phối hợp với các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại tham gia cho vay theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh phải rà soát lại danh sách các ngư dân đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng không đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 67, trên cơ sở đó, làm việc với UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu UBND tỉnh bổ sung, thay thế kịp thời các đối tượng có điều kiện tham gia, đảm bảo kế hoạch đề ra và quyền lợi của bà con ngư dân. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện, giải ngân của các hợp đồng đã được ký kết. Trong trường hợp không thể giải ngân trước ngày 31/12/2016 (thời hạn quy định của Nghị định 67), phải tham mưu UBND tỉnh văn bản kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan gia hạn thời gian.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường hỗ trợ ngư dân trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục và thương thảo hồ sơ vay vốn; đảm bảo chất lượng hồ sơ, năng lực ngư dân khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hướng dẫn các ngư dân chưa được phê duyệt danh sách có nhu cầu vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tổ chức thẩm định, bổ sung bản cam kết sẽ cho vay của Ngân hàng Thương mại, tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, thẩm định, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/5/2016.

Về phía ngư dân, những trường hợp chưa được ký hợp đồng tín dụng, trực tiếp đến làm việc với ngân hàng đăng ký đầu tiên khi thẩm định danh sách, trong trường hợp không được chấp nhận, có thể đến ngân hàng khác để liên hệ đăng ký vay vốn. Đến 15/5/2016 nếu không có ngân hàng nào ký hợp đồng vay vốn hoặc cam kết cho vay, UBND tỉnh sẽ xóa tên khỏi danh sách.

Đối với những ngư dân đã ký hợp đồng tín dụng, khẩn trương đôn đốc cơ sở đóng tàu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hồ sơ giải ngân trước ngày 31/12/2016.

Ngư dân có nhu cầu vay vốn đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo Nghị định 67, cần tìm hiểu kỹ các nội dung của Nghị định, tính toán chính xác lợi ích kinh tế khi tham gia vay vốn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngân hàng và các cơ quan chức năng của Nhà nước có liên quan trong việc lập hồ sơ vay vốn đảm bảo đầy đủ thủ tục, đúng yêu cầu và đảm bảo tính pháp lý; đồng thời phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc đến UBND các cấp hoặc Sở Nông nghiệp và PTNT để có biện pháp giải quyết.

Ngọc Hà Fistenet, 13/05/2016