TIN THỦY SẢN

Quảng Nam: Khuyến khích nuôi tôm sinh thái

Ngành chức năng thả tôm nuôi ở khu vực rừng ngập mặn Cẩm Thanh, Hội An.Ảnh: QUANG VIỆT

Nuôi tôm sinh thái vừa phát triển kinh tế, bảo vệ rừng ngập mặn, lại có thể phục vụ du lịch. Quảng Nam đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình mới mẻ này.

Nhiều ưu điểm

Quảng Nam có khoảng 100ha rừng ngập mặn, riêng khu vực Cồn Si của xã đảo Tam Hải (Núi Thành) có đến 25ha, khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh (TP.Hội An) có 30ha. Các khu vực rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh đang đối diện với nhiều nguy cơ từ tác động xấu của biến đổi khí hậu, mặt trái của phát triển kinh tế - xã hội. Hậu quả là diện tích rừng ngập mặn bị suy giảm, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng, môi trường nước quanh rừng ngập mặn bị ô nhiễm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, một trong những cách để cứu vãn sự tàn phá khu vực rừng ngập mặn là nuôi tôm sinh thái. Vì con tôm sẽ ăn những động vật phù du, làm sạch môi trường nước, tạo điều kiện phát triển đa dạng sinh học với sự sinh trưởng thuận lợi của các loài cỏ biển, các loài cá, tôm, nhuyễn thể…“Tôi đi tham quan các mô hình nuôi tôm sinh thái ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thấy mô hình này có tác dụng tích cực nhiều mặt, vừa bảo vệ rừng ngập mặn, vừa chống biến đổi khí hậu và nhất là giúp nông dân có thu nhập cao hơn. Nuôi tôm sinh thái không quá khó, không cần quy trình nuôi chặt chẽ như VietGAP, quan trọng là nương theo tự nhiên để sản xuất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. Theo đó, mô hình này chủ yếu nuôi tôm sú, được thả xuống các đầm vuông dưới tán lá rừng ngập mặn, chúng sống tự nhiên mà không phải thả thức ăn. Điều quan trọng là sử dụng các chế phẩm sinh học để quản lý môi trường nuôi tôm, không gây ô nhiễm môi trường, nói không với các loại thuốc, hóa chất. Bởi vậy, cách nuôi tôm này phù hợp với nhiều nông hộ, chi phí sản xuất thấp.

Theo nhiều nhà chuyên môn, mô hình nuôi tôm sinh thái không cung cấp thức ăn cho tôm để không tác động xấu đến môi trường xung quanh. Từ các kênh, rạch quanh khu vực rừng ngập mặn, đa dạng loài sinh vật sẽ đến trú ngụ, hoạt động, sinh đẻ làm phong phú nguồn thức ăn cho tôm nuôi. Quá trình đào thải chất tự nhiên ở khu vực này cũng sẽ sinh ra lượng phù sa lớn, nuôi dưỡng sự phát triển của các loài cây sú, vẹt, đước, dừa nước. Nuôi tôm sinh thái trong môi trường tự nhiên hoàn toàn tạo sản phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, nuôi tôm sinh thái quanh rừng ngập mặn góp phần giảm năng lượng của sóng biển, chống xói mòn từ sóng và làm yếu đi dòng chảy từ biển vào hoặc từ đầu nguồn xuống. Với những ưu điểm như vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh “đặt hàng” cho 2 địa phương là TP.Hội An và huyện Núi Thành xây dựng đề án, tỉnh sẽ duyệt và hỗ trợ, có cơ chế ưu đãi áp dụng, kỳ vọng đem lại nhiều lợi ích.

Rất khả thi

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, diện tích nuôi tôm trên địa bàn không ngừng giảm xuống. Trong đó, nhiều khu vực nuôi tôm lâu nay đã chuyển mục đích sang xây dựng hạ tầng, khách sạn để phục vụ du lịch, dịch vụ. Quy hoạch nuôi tôm trước đây đã không còn phù hợp với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nên bắt buộc phải thay đổi. Cách thích ứng của TP.Hội An là tập trung nuôi tôm sinh thái ở các rừng ngập mặn, đặc biệt là khu vực dừa nước ở xã Cẩm Thanh. “Rừng dừa nước Cẩm Thanh là vùng đệm của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Khu vực này trong sạch môi trường thì cũng góp phần bảo vệ môi trường biển Cù Lao Chàm. Bởi vậy, “đặt hàng” của UBND tỉnh rất phù hợp với khuynh hướng phát triển ở TP.Hội An là vẫn xúc tiến nuôi tôm để đem lại nhiều cái lợi. Trong đó, ngoài bảo vệ đa dạng sinh học, còn đem lại lợi nhuận cho người dân và phục vụ du lịch. Du khách rất phấn khởi đi cày ruộng, đi bắt cá thì họ sẽ thư thái, trải nghiệm thú vị khi du ngoạn quanh khu vực nuôi tôm sinh thái” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Hùng, TP.Hội An đã loại trừ cách nuôi tôm công nghiệp vì chi phí quá lớn, chưa chắc thành công mà tác động rất xấu đến môi trường như làm mặn nguồn nước, thậm chí phá vỡ quy hoạch khu vực ven biển. Bởi vậy, với nuôi tôm sinh thái, địa phương sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng, tôm sú hay tôm đất. Mỗi đối tượng đều có ưu thế và nhìn chung là phù hợp với điều kiện tự nhiên. Về lộ trình nuôi tôm sinh thái, TP.Hội An sẽ giao cho Phòng Kinh tế tham khảo, nghiên cứu kỹ các mô hình đã triển khai tại các tỉnh miền Tây, xem xét điều kiện tự nhiên để điều chỉnh, có quy trình nuôi đúng đắn.

Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, địa phương rất hưởng ứng chủ trương áp dụng nuôi tôm sinh thái trên địa bàn. Ngành thủy sản đang rà soát, khảo sát các diện tích, khu vực rừng ngập mặn để đề xuất huyện triển khai nuôi tôm sinh thái thí điểm, dự kiến áp dụng bước đầu là 40ha. Với diện tích đầu tư này thì có thể tiếp cận được những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nuôi tôm mà UBND tỉnh vừa thông qua. “Nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn khác ao nuôi vùng triều hay trên cát ở chỗ khó khuôn định diện tích phù hợp theo cỡ chuẩn. Huyện sẽ xem xét triển khai các vuông nuôi tôm rộng như ở Cà Mau hay dùng lưới khu biệt từng vị trí riêng lẻ để nuôi tôm sinh thái ổn định, tránh thất thoát ra ngoài khi tôm nương theo con nước mà tìm nơi di trú” - ông Sơn nói. Theo ông Sơn, khi triển khai, sẽ áp dụng quy trình nuôi sạch, không dùng kháng sinh, hóa chất, mà chỉ dùng chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường nước.

Quảng Nam Online