TIN THỦY SẢN

Quảng Nam: Nuôi cá lồng bè thủy điện, nhà nào cũng thu vài trăm triệu

Nuôi cá lồng bè ở hồ thủy điện Sông Bung 4- huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Phan Văn Bách

Nuôi cá lồng bè tại tỉnh Quảng Nam hiện đang phát triển trên các hồ thủy lợi, thủy điện (Khe Tân, Sông Tranh 2, Sông Bung, Đăk Mi 4, A Vương, …) và trên sông Tam Kỳ. Năm 2020 toàn tỉnh có 568 lồng nuôi (60-75 m3/lồng), với các đối tượng: cá điêu hồng, lóc bông, rô phi, trê, lăng nha, thát lát cườm, chình và ếch, …

Hồ thủy điện Sông Tranh 2- huyện Bắc Trà My

Việc nuôi cá trên lòng hồ thủy điện ở Quảng Nam khởi nguồn từ hồ thủy điện  Sông Tranh 2- huyện Bắc Trà My. Thủy điện Sông Tranh 2 là một tổ hợp các công trình gồm hồ chứa nước và nhà máy phát điện trên sông Tranh, một nhánh sông thượng lưu sông Thu Bồn, thuộc địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Khi triển khai dự án Thủy điện Sông Tranh 2, đã có hơn 2.440 ha đất các loại bị ngập nước và chính quyền địa phương phải thực hiện di dời 1.046 hộ, với hơn 5.330 nhân khẩu đi đến nơi ở mới. Những ngày đầu di dời nhà đến các khu TĐC, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn; tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt… khiến nhiều người lo lắng.

Chị Tạ Thị Én ở xã Trà Đốc và Anh Trần Văn Mạo, người dân xã Trà Sơn là các hộ nuôi cá lồng bè đầu trên lòng hồ Sông Tranh 2 từ năm 2013 từ mô hình Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam  đầu tư. Anh Trần Văn Mạo cho biết: Lúc đầu làm chưa có kinh nghiệm cho nên hiệu quả không cao, nhưng đến nay, việc nuôi cá lồng bè đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Bình quân mỗi tháng, anh Mạo bán ra thị trường khoảng 1,5 tấn cá các loại, mỗi năm doanh thu bán cá đạt từ 1,7 tỷ đến hai tỷ đồng. Trừ chi phí, gia đình anh thu được từ 300 triệu đến 400 triệu đồng tiền lãi từ nuôi cá.

Hồ thủy điện Sông Bung 4- huyện Nam Giang

Thủy điện Sông Bung 4 là công trình thủy điện xây dựng trên dòng sông Bung tại vùng đất xã Zuôih và xã Tà Pơơ huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam.

Năm 2019 Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang triển khai mô hình nuôi cá Diêu hồng lồng bè tại hồ chứa nước thủy điện Sông Bung 4 thuộc xã Tà Pơơ - huyện Nam Giang. Với quy mô 125 m3/02 lồng cho 02 hộ.

Sau thời gian 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình trên 500g/con và tỷ lệ sống đạt 72%, tổng sản lượng thu được trên 4 tấn. Với loại cá cỡ này giá bán trên thị trường tại địa phương hiện nay là 50.000đ/kg,  thì sau khi trừ mọi chi phí mô hình lãi ròng trên 50 triệu đồng.

Hồ thủy điện Đắk Pring- huyện Nam Giang

Thủy điện Đắk Pring là công trình thủy điện xây dựng tại thượng nguồn của suối Đắk Pring, thuộc xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Giang triển khai mô hình Nuôi cá diêu hồng lồng bè trên hồ thủy điện Đắc Prin thuộc xã Chà Vàl.

Sau hơn 5 tháng thực hiện mô hình đã cho kết quả rất khả quan. Trọng lượng cá trung bình đạt 500g/con, tỷ lệ sống trên 70%, giá cá thương phẩm bán ra 60.000 đ/kg. Sau khi trừ hết chi phí thu lãi được hơn 35 triệu đồng/lồng nuôi.

Phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện

Cùng với việc mở rộng quy mô nuôi cá lồng bè, tỉnh Quảng Nam có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế miền núi, nhất là phát triển du lịch. UBND tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện và ổn định đời sống, sản xuất cho người dân TĐC các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, khí hậu ở khu vực miền núi Quảng Nam quanh năm mát mẻ, nhiều thung lũng bị chia cắt bởi các sông suối, ghềnh thác; lại có thêm chuỗi lòng hồ thủy điện đa dạng về sinh học, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS đang được gìn giữ, bảo tồn là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để du lịch phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả, cần phải có quy hoạch bài bản và chiến lược lâu dài; không thể phát triển ồ ạt làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa miền núi.

Chủ trương phát triển du lịch kết nối với lòng hồ các thủy điện được chính quyền địa phương đưa ra từ lâu, nhưng khi bước vào triển khai còn gặp nhiều rào cản. Nguyên nhân do chưa có sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị quản lý hồ thủy điện với chính quyền và người dân địa phương. Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch, huyện Đông Giang đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khai thác lòng hồ thủy điện Sông Bung 5. Hiện nay, Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (thuộc Tập đoàn FVG) hiện đang triển khai các hồ sơ thủ tục để đầu tư Dự án khu du lịch sinh thái Trường Sơn - Sông Bung trên diện tích hơn 20 ha tại xã Mà Cooih (huyện Đông Giang) với tổng vốn đầu tư khoảng 190 tỷ đồng. Khi dự án du lịch này đi vào hoạt động không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mà còn tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn và tăng thu ngân sách nhà nước.

Phan Văn Bách TTKN Quảng Nam