Quảng Nam: Nuôi thủy sản nước ngọt: Chưa phát huy hết tiềm năng
Có tiềm năng lớn nhưng nghề nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và chưa sản xuất theo hướng hàng hóa, bền vững.
Tiềm năng lớn
Quảng Nam có khoảng 5.000ha ao nuôi thủy sản nước ngọt. Tại các huyện đồng bằng và trung du, nhiều hộ dân tập trung nuôi các đối tượng truyền thống như cá trắm cỏ, cá chép, cá trôi, mè, rô phi gắn với quy mô hộ gia đình, nuôi theo mô hình VAC, nuôi ghép nhiều loại cá. Tại các huyện miền núi, chương trình cấp cá giống cũng đã “khuấy động” phong trào đào ao, nuôi cá dù quy mô chưa lớn. Đáng kể nhất là các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt tại các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện và nuôi trên sông. Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 370 lồng bè nuôi cá. Sản lượng cá nước ngọt thu hoạch được trên địa bàn tỉnh dao động từ 5.800 - 6.200 tấn/năm. Tại hồ Khe Tân (2 xã Đại Thạnh và Đại Chánh, Đại Lộc), từ nhiều năm nay, mô hình nuôi cá lồng bè đã giúp nhiều gia đình thu nhập cao. Điển hình như ông Cao Xuân Thắng đã đầu tư 32 lồng cá diêu hồng (20 lồng nuôi và 12 lồng ương cá giống). Ông Thắng áp dụng kỹ thuật nuôi “chuẩn” từ Thái Lan, mỗi năm nuôi 3 vụ, đạt doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng.
Để khai thông tiềm năng, phát huy lợi thế nuôi thủy sản nước ngọt, ông Võ Văn Năm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, tỉnh đang ưu tiên phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững. Để thực hiện điều này, địa phương đang xúc tiến việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường. “Quảng Nam đang ưu tiên phát triển nuôi các đối tượng đặc hữu, đối tượng có giá trị kinh tế cao, các đối tượng có giá trị xuất khẩu. Hướng phát triển sẽ là sản xuất hàng hóa, sản xuất tập trung, đầu tư theo chiều sâu” - ông Năm nói.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh chương trình, hỗ trợ nuôi thủy sản nước ngọt. Nhiều mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá tra trong ao đất tại gia đình ông Đoàn Đa (Đại Hiệp, Đại Lộc) cho năng suất trung bình 150 - 200 tấn/ha/năm. Các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính tại Điện Bàn đã cho năng suất 10 - 15 tấn/ha/vụ. Điểm sáng là nhiều mô hình nuôi cá diêu hồng, rô phi bằng lồng cho năng suất từ 30 - 40kg/m3/vụ. Nuôi cá tổng hợp theo mô hình VAC ở Thăng Bình cho năng suất từ 10 - 15 tấn/ha/vụ...
Tiềm năng nuôi thủy sản nước ngọt tại Quảng Nam còn rất lớn. Ngoài 73 hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, Quảng Nam có hệ thống sông lớn như Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ, Trường Giang cùng các sông, suối nhỏ và hàng trăm héc ta diện tích ao, hồ có thể huy động phát triển nuôi thủy sản nước ngọt.
Hướng phát triển hàng hóa
Để phát triển nuôi cá nước ngọt nhằm tạo bước đột phá cho kinh tế miền núi, trung du, năm 2007, HĐND tỉnh đã ra nghị quyết về tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản Quảng Nam giai đoạn 2007-2010. Năm 2007, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án nuôi cá tra xuất khẩu đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã có Quyết định 139/QĐ-UBND ban hành ngày 16.1.2006 quy định hỗ trợ đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh... Điều đáng tiếc là việc thực hiện các đề án, các chính sách hỗ trợ nuôi thuỷ sản nước ngọt trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là chi phí đầu tư nuôi cá tra thâm canh quá lớn. Việc giải tỏa để giao đất cho nhà đầu tư gặp nhiều ách tắc. Mức hỗ trợ, ưu đãi chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư có tiềm lực về kinh tế đầu tư vào Quảng Nam. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, quản lý nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh từ cấp tỉnh đến các địa phương vẫn còn rào cản. Chương trình 135 của Chính phủ đã hỗ trợ hàng triệu con cá giống, tập huấn kỹ thuật nuôi cá cho đồng bào miền núi; chương trình khuyến ngư hàng năm của tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng một số mô hình nuôi cá vùng trung du, miền núi. Tuy nhiên các chương trình này chủ yếu hỗ trợ các hộ nuôi nhỏ lẻ.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, để huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh. Đó là quy hoạch vùng nuôi gắn với các đối tượng nuôi chủ lực. Các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện không phục vụ chính cho việc cấp nước ngọt thì nên bổ sung nuôi cá phù hợp. Về khoa học - công nghệ, nên ứng dụng và chuyển giao quy trình sinh sản nhân tạo các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như tôm càng xanh, cá chiên, cá chạch... nhằm chủ động con giống. Cùng với đó là áp dụng công nghệ sản xuất giống sạch bệnh, áp dụng công nghệ sản xuất thức ăn chất lượng, chế phẩm sinh học và các sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng bền vững. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi. Đồng thời, khuyến khích phát triển hình thức ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, người tiêu thụ với người nuôi hoặc với đại diện của nhóm hộ người nuôi.