TIN THỦY SẢN

Quảng Nam: Nuôi tôm nước lợ ở vùng triều: Vẫn rất bấp bênh

Điều kiện nuôi sơ sài là một trong những nguyên nhân khiến việc nuôi tôm nước lợ ở vùng triều thua lỗ. Ảnh: N.Q.V Nguyễn Quang Việt

Theo lịch mùa vụ, thời điểm này là kết thúc vụ 2 nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh nhưng hiện nhiều hộ dân vẫn tiếp tục thả nuôi để... “gỡ gạc” vì những vụ vừa qua liên tiếp thua lỗ.

Nuôi để... gỡ gạc

Nhiều nông hộ vẫn tiếp tục nuôi tôm nước lợ ở các vùng triều ven sông, bất chấp lịch mùa vụ của Sở NN&PTNT là khép lại vụ nuôi vào cuối tháng 9 vừa qua. Các nông hộ cho biết, phải nuôi tiếp để... gỡ gạc. “Nếu tuân theo khuyến cáo của ngành chức năng thì mọi người đều nuôi tôm cùng thời điểm. Do nguồn nước sông Trường Giang ô nhiễm nặng, lấy chung nguồn nước cùng lúc sẽ tạo nguy cơ tôm chết vì dịch bệnh. Bởi vậy, tôi rút kinh nghiệm là chỉ nuôi trước hoặc sau lịch mùa vụ để sử dụng nguồn nước tốt hơn” - ông Nguyễn Tánh, hộ nuôi tôm ở thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết. Theo ông Tánh, dù đã cẩn trọng, chú tâm nuôi tôm đúng quy trình nhưng cả 2 vụ nuôi tôm vừa qua đều thua lỗ. “Nuôi tôm như đánh bạc với trời. Đến chừ tôi cũng không thể lý giải được tôm chết là do tôm giống kém hay môi trường nước không đảm bảo. Qua 2 vụ nuôi tôi đã bị thua lỗ gần 200 triệu đồng. Chừ nuôi tiếp, đầu tư kỹ hơn, chỉ mong trúng vụ sẽ bù lỗ vì tôm rất được giá vào thời điểm tết” - ông Tánh nói.

Những hộ nuôi tôm ở các thôn Kim Đới (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cũng đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng vào thời điểm này. “Càng nuôi tôm càng lỗ. Nhưng khốn khổ là càng lỗ càng phải tiếp tục nuôi. Nếu dừng lại thì làm sao trả được nợ mua thuốc, thức ăn và các vật tư thủy sản dùng cho nuôi tôm trong 2 vụ đã qua” - ông Nguyễn Phước, hộ nuôi tôm dọc sông Trường Giang qua địa phận thôn Kim Đới nói. Chúng tôi hỏi nếu nuôi tiếp mà lại thất bát thì nợ nần tăng lên làm sao trả được, ông Phước cười nói: “Nuôi tôm cũng như cưỡi hổ vậy. Đã leo lên rồi thì làm sao mà nhảy xuống được, liều vậy!”.

Tiếp giáp với thôn Kim Đới là thôn Kim Thành, chúng tôi cũng thấy nhiều nông hộ dọn dẹp lại ao, chuẩn bị nuôi tôm trái vụ. “Tôi đã bàn với nhiều nông dân khác là chuyển diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi cua hay cá dìa nhưng mọi người đều bảo nếu cá, cua sống được thì tôm cũng sống được, còn không thì chết cả nên thay làm gì. Nuôi tôm nếu trúng thì thu lợi gấp nhiều lần nuôi cá. Chỉ mong Nhà nước hỗ trợ người dân nạo vét, khơi thông sông Trường Giang và kêu gọi đầu tư tôm giống để chúng tôi có nguồn tôm giống chất lượng mà nuôi cho đạt” - ông Nguyễn Xuân Hà (hộ nuôi tôm ở thôn Kim Thành) nói.

Theo quan sát của chúng tôi, hạ tầng khắp các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều của TP.Hội An, huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, TP.Tam Kỳ đều rất sơ sài. Nhiều ao nuôi có bờ đắp lủng thủng, thẩm lậu, rỉ nước. Hệ thống thủy lợi chỉ là các đường rạch chằng chịt, dẫn nước đen ngòm từ sông vào ao nuôi. Lạ nữa là biết nguồn nước ô nhiễm nhưng các nông hộ vẫn dẫn trực tiếp vào ao nuôi tôm thay vì phải đầu tư ao chứa lắng để lọc nước, xử lý nguồn nước trước khi nuôi. Nhiều vùng nuôi tôm không có điện, chỉ chạy quạt cung cấp ô xy cho tôm bằng máy nổ...

Cơ chế còn xa

Đánh giá về 2 vụ nuôi tôm đã qua, bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, thuận lợi là tôm bán rất được giá vì cung thấp hơn cầu. Mặc dù có xảy ra bệnh nhưng ngành chức năng, chính quyền cơ sở và người nuôi tôm phối hợp tốt, khống chế không lây lan thành dịch. Thời tiết từ tháng 2 - thời điểm bắt đầu vụ 1 nuôi tôm đến nay ít biến động nên không phải xử lý các vấn đề phát sinh. Ngoài ra, ở một số vùng triều ven sông, người nuôi nhanh nhạy chuyển diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng sang các loại thủy sản khác như cá đối, tôm sú, thu được kết quả khả quan.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, triển khai điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được HĐND tỉnh thông qua hồi năm 2016, công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế khuyến khích nuôi tôm được triển khai sâu rộng ở hầu khắp địa điểm nuôi tôm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ngành chức năng đã cung cấp đầy đủ biểu mẫu, quy định, trình tự thủ tục, hồ sơ để người nuôi tôm và các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận, thụ hưởng. Hiện tại, đã có hồ sơ của 2 tổ hợp tác nuôi tôm nước lợ của xã Tam Thăng và Tam Phú (TP.Tam Kỳ) gửi về chờ thẩm định hỗ trợ đầu tư hạ tầng nuôi tôm, nuôi tôm sạch theo hướng VietGAP, hỗ trợ tôm giống và tích tụ, tập trung diện tích nuôi tôm. “Hội đồng thẩm định hỗ trợ nuôi trồng thủy sản do Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và Sở KH&ĐT và các ban, ngành khác sẽ tập trung thẩm định các hồ sơ đề xuất hỗ trợ và trả lời nông hộ trong thời gian đến. Từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản sẽ báo cáo UBND tỉnh về thực trạng nuôi tôm cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ, qua đó tìm giải pháp phát triển” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói.

Hơn một năm qua, sau khi thông qua điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vẫn chưa có hộ nuôi tôm, các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhận được bất kỳ mức hỗ trợ nào để kiện toàn lại các điều kiện nuôi tôm. Ông Mai Huy Chương - cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Thăng cho rằng, Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Tam Thăng sẽ rất khó được nhận các cơ chế hỗ trợ của tỉnh do điều kiện quy định khắt khe. “Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ nhờ giúp đỡ của Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ mới hoàn thiện hồ sơ để gửi về Sở NN&PTNT. Rất khó được hỗ trợ nhưng đó là cách duy nhất để người nuôi tôm có điều kiện đầu tư lại các công trình nuôi tôm do nguồn vốn huy động được rất hạn chế. Toàn xã có tổng diện tích 75ha ao nuôi nhưng chỉ thu hoạch được rất ít tôm trong cả 2 vụ nuôi vừa qua” - ông Mai Huy Chương nói.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ ở các vùng triều trên địa bàn tỉnh trong 2 vụ vừa qua là 1.310ha. Tổng sản lượng thu hoạch được từ đầu năm đến nay đạt 13.100 tấn. Các điểm yếu cố hữu của nghề nuôi tôm nước lợ vẫn tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua là ô nhiễm nguồn nước, không có thủy lợi, không kênh cấp, kênh thoát nước, không có ao chứa lắng, ao xử lý nước thải, nhiều vùng nuôi không có điện, không có đường giao thông kết nối.

Nguyễn Quang Việt Báo Quảng Nam