TIN THỦY SẢN

Quảng Nam: Sẽ thu hẹp diện tích nuôi tôm trên cát không hiệu quả

Quảng Nam đang cơ cấu lại diện tích nuôi tôm, trong đó sẽ thu hẹp diện tích nuôi tôm trên cát. Ảnh: QUANG VIỆT Việt Nguyễn

Trước thực trạng tôm chết hàng loạt trong nhiều năm qua, việc cơ cấu lại diện tích ao nuôi để tổ chức sản xuất tốt hơn là vấn đề cấp thiết đang đặt ra.

Chuyển đổi đối tượng nuôi

TP.Hội An có 106ha ao nuôi tôm nước lợ, phân bổ ở các xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà, phường Cẩm Châu, Cẩm Nam. Các nông hộ trên địa bàn xã Cẩm Thanh đã chủ động chuyển nhiều diện tích trong số 72ha sang nuôi các loại cá điêu hồng, cá trắm cỏ, cá đối phục vụ du lịch. Ngoài bán cho tư thương, mô hình này còn phục vụ du lịch sinh thái. Nhiều đoàn du khách đã thích thú khi tham quan các mô hình này và trực tiếp mua, bắt cá, chế biến và thưởng thức tại chỗ. Mô hình này đã đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Anh Lê Văn Nhựt (thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh) tham gia mô hình này cho biết, do điều kiện hạ tầng yếu kém, nguồn nước không đảm bảo, quá trình xử lý nước gặp nhiều khó khăn nên gia đình chuyển nuôi tôm sang nuôi cá điêu hồng, cá trắm cỏ. Đến nay, mỗi tháng anh thu hoạch được hàng trăm triệu đồng, trừ chi phí còn lại cũng khấm khá.

“Nuôi cá đơn giản hơn nuôi tôm, lại phát huy thế mạnh du lịch của TP.Hội An nữa. Có nhiều cái lợi để mình chọn chuyển đổi đối tượng nuôi thủy sản” - anh Nhựt nói.

Tương tự, nông dân trên địa bàn phường Cẩm Châu đã chuyển nhiều diện tích trong tổng số 17ha sang nuôi cua và cũng thu được hiệu quả bước đầu. Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, không bắt buộc chỉ nuôi đối tượng thủy sản duy nhất là con tôm vì các loại thủy sản khác dễ nuôi hơn, phù hợp với điều kiện tự nhiên lại phát huy các lợi thế về mặt xã hội. Do vậy, nhiều diện tích nuôi tôm trên địa bàn sẽ thu hẹp lại, nhường chỗ cho các đối tượng thủy sản khác là các loại cá, cua.

Ở TP.Tam Kỳ, nhiều diện tích nuôi tôm không hiệu quả đã được người dân chuyển sang nuôi cá chẻm. Nuôi tôm thất bát trong nhiều năm qua, gia đình ông Mai Xuân Nhĩ (thôn Thanh Đông, xã Tam Thanh) chuyển sang nuôi 4 sào cá chẻm. Cá nuôi sinh trưởng, phát triển tốt đã đem lại sản lượng, năng suất khá giúp gia đình ông Nhĩ có nguồn thu hơn 50 triệu đồng sau mỗi vụ sản xuất.

Hiện nay, đã có rất nhiều diện tích nuôi cá chẻm, cá điêu hồng, cua, cá lăng nha thu được giá trị kinh tế cao sau khi nông dân trên địa bàn tỉnh không nuôi tôm ở vùng triều vì quá bấp bênh.

Có thể kể đến mô hình của ông Hồ Đình Đồng ở thôn Phú Tân (xã Tam Xuân 1, Núi Thành); mô hình của ông Nguyễn Đình Thuật (thôn Bình Hòa, xã Bình Giang, Thăng Bình) hay Trần Văn Vui (thôn Bản Long, xã Tam Tiến, Núi Thành).

Theo ông Lê Văn Để - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, đối với những diện tích nuôi tôm ở vùng triều không đảm bảo về ao lắng, xử lý nước thải, bờ ao không kiên cố thì nên chuyển đổi sang các đối tượng thủy sản kể trên. Nhờ sự hỗ trợ con giống chất lượng, kỹ thuật nuôi tiên tiến nên thành quả thu được khá hơn nuôi tôm, tuy nhiên cái khó là nông dân hay ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước, khi xong mô hình thì... bỏ quên thay vì nhân rộng. Bởi vậy, cần thiết người nông dân thay đổi tập quán để sản xuất thuận tiện hơn trong thời gian đến.

Tổ chức lại sản xuất

Quy hoạch nuôi tôm trên cát tạm thời giai đoạn 2014 - 2018 ở vùng đông nam của tỉnh đã hết hiệu lực. Quảng Nam không gia hạn thêm thời gian nên trước mắt, vẫn để các nông hộ sản xuất bình thường nhưng phải cam kết ngưng đầu tư khi có dự án triển khai.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, chắc chắn sẽ có nhiều diện tích nuôi tôm trên cát bị thu hẹp lại trong thời gian đến. Điều đó là rất cần thiết để ổn định môi trường sinh thái, thu hút đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ.

“Quảng Nam đã phải trả giá vì nuôi tôm trên cát ồ ạt trong thời gian qua. Rừng phòng hộ bị tàn phá. Nước ngọt bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Quản lý hiện trạng đất đai gặp khó, lúng túng. Chấn chỉnh lại điều này là tất yếu” - ông Ngô Tấn nói.

Đồng ý kiến này, ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, địa phương xin rút các diện tích nuôi tôm đã nằm trong quy hoạch của tỉnh để phục vụ phát triển du lịch. Nguồn lực của người nông dân có giới hạn nên không thể đầu tư nuôi tôm công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, xoay vòng sử dụng nguồn nước sau khi xử lý triệt để được. Hệ lụy là rất lớn, người dân thua lỗ, đất đai bị thoái hóa, nước ngầm bị biến hóa. Cần thay đổi mục đích sử dụng đất ở các vùng nuôi tôm không hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, phải cơ cấu lại diện tích nuôi tôm ở cả vùng triều ven sông và vùng nuôi lót bạt trên cát. Theo đó, thu hút đầu tư của doanh nghiệp để xây dựng các vùng nuôi tôm tập trung, ví như mô hình nuôi tôm công nghệ cao thu được hiệu quả của Công ty CP QNTEK (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) đầu tư ở xã Bình Hải (Thăng Bình). Ở các vùng khác nuôi tôm không đảm bảo, ngành thủy sản cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, người nông dân vận động chuyển đổi sang nuôi cua, nuôi cá, rong biển, các loài nhuyễn thể (nghêu, hàu).

“Nuôi loài thủy sản nào cũng là sinh kế của người nông dân cả, không nhất thiết phải nuôi con tôm. Muốn vậy, phải áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến. Các cơ quan, địa phương cần hướng dẫn người dân cách nuôi phù hợp và giúp họ khơi thông đầu ra cho sản phẩm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Việt Nguyễn Báo Quảng Nam