TIN THỦY SẢN

Quảng Nam: Thành công mô hình chuyển đổi trong ao nước lợ

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính và điêu hồng tại Tam Xuân 1, Núi Thành Nguyễn Thị Đồng - TTKNKN Quảng Nam

Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông Khuyến lâm Núi Thành triển khai thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, cá điêu hồng trong ao nước lợ tại hai hộ ông Hồ Đình Đồng và ông Trần Quang Linh ở thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1 trên diện tích 1,1 ha.

Cá giống thả nuôi đạt các tiêu chuẩn, chất lượng tốt, kích cỡ từ 5cm trở lên và đồng đều.

Qua thời gian 4 tháng thả nuôi, vừa qua, Trung tâm tổ chức hội thảo đầu bờ để đánh giá kết quả của mô hình nhằm khuyến cáo nhân rộng trong thời gian tới. Hiện tại cá đã đạt trọng lượng trung bình 350gam/con, có con đạt 500 gam, tỷ lệ sống ước đạt 75%, sản lượng đạt 7,2 tấn, với giá bán 35.000 đồng/kg, tổng thu của mô hình là 252 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi của mô hình gần 80 triệu đồng. Nếu đến cuối tháng 9, cá đạt trọng lượng 500 gam/con trở lên, thu hoạch toàn bộ với sản lượng hơn 9 tấn, giá bán có thể đạt 40.000 đồng/kg, lợi nhuận của mô hình đến 120 triệu đồng.

Ông Hồ Đình Đồng cho biết, muốn nuôi thành công dù là đối tượng nào cũng đòi hỏi phải am hiểu kỹ thuật, nuôi đúng qui trình, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đối tượng nuôi, quản lý môi trường thật tốt, có vốn đầu tư và đầu tư đúng cách. Từ kết quả của mô hình, ông dự định năm tới sẽ tiếp tục đầu tư nuôi cá rô phi, điêu hồng kết hợp tôm sú, tôm thẻ chân trắng hoặc cua.

Ông Trần Quang Liên, có diện tích ao nuôi 2000 m2 cũng đã nuôi cá điêu hồng, rô phi cho biết thêm, hiệu quả của mô hình nuôi cá so với nuôi tôm thì không lớn, nhưng mô hình này dễ áp dụng, chi phí vừa phả,i phù hợp với đa số người dân, nuôi có lãi và ổn định.

Trong giai đoạn hiện nay, thành công của các mô hình chuyển đổi này có ý nghĩa rất lớn, phù hợp với chủ trương và khuyến cáo của Ngành, mở ra hướng đi vững chắc trong nuôi thủy sản nước lợ của địa phương và của tỉnh nhà. Để mô hình chuyển đổi được áp dụng rộng rãi vào sản xuất, góp phần phát triển nuôi thủy sản nước lợ trong thời gian đến ổn định hơn thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa như: phải từng bước đa dạng đối tượng nuôi, chuyển đổi dần sang nuôi tôm kết hợp với nuôi các đối tượng khác; bố trí mùa vụ nuôi sao cho hợp l; đồng thời tìm hiểu nhu cầu của thị trường để gắn kết việc sản xuất với khâu tiêu thụ được thuận lợi hơn./.

Nguyễn Thị Đồng - TTKNKN Quảng Nam Khuyến Nông VN