Quảng Nam: Thua lỗ vụ 1 nuôi tôm nước lợ
Vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm nay đang bước vào kỳ thu hoạch. Ông Nguyễn Minh Hải (thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) cho rằng, tôm thẻ chân trắng có giá rất thấp vào thời điểm này đã khiến người nuôi thua lỗ.
Vụ 1 năm nay, ông Hải đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ 100 con/m2 ở 2 ao nuôi có tổng diện tích 2.000m2. Thu hoạch được 3 tấn tôm ở 2 ao nuôi, ông Hải bán được 270 triệu đồng với giá bán 90 nghìn đồng/kg cỡ 100 con/kg. Sau khi trừ chi phí trong 3 tháng nuôi tôm, ông Hải lỗ 50 triệu đồng.
“Cuối năm 2017, tôi cũng thu hoạch được 3 tấn tôm, thu lãi được gần 100 triệu đồng vì giá tôm thương phẩm lúc đó là 120 nghìn đồng/kg cỡ 100 con/kg. Từ đầu năm đến nay, giá tôm giống, thức ăn, vật tư thủy sản đều tăng nên giá thành nuôi tôm tăng cao” - ông Hải nói.
Ngược lại vào thời điểm này tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ lại có giá cao hơn tôm cỡ lớn. Cụ thể, tôm cỡ 150 - 200 con/kg có giá 107 nghìn đồng/kg còn tôm cỡ 110 con/kg lại có giá 80 nghìn đồng/kg.
Quảng Nam có đến hơn 3.000ha diện tích nuôi tôm nhưng tính từ đầu vụ đến nay, nông hộ mới chỉ thả nuôi được 1.225ha. Sản lượng tôm nuôi chỉ đạt chừng 2.000 tấn. Đáng nói, diện tích nuôi tôm bị bệnh, chết là hơn 113ha.
Trao đổi với chúng tôi về điều này, ông Nguyễn Trí Quế (thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) - hộ thu mua tôm ở khắp huyện Thăng Bình cho biết đây là chiêu trò của thương lái Trung Quốc. Tôm cỡ nhỏ có giá bán cao là điều bất thường, trái ngược với quy luật mua bán tôm thương phẩm trong nhiều năm qua.
Theo ông Quế, trước đây thu mua tôm thương phẩm rồi bán lại cho các mối quen biết ở chợ, siêu thị, nhà hàng tuy nhiên thu lãi ít nên đã chuyển sang bán lại cho các tư thương kinh doanh lớn bán sang Trung Quốc. “Thị trường nội địa có lợi cho người nuôi tôm vì giá cả ổn định, vừa phải nhưng do nhu cầu không cao nên hầu hết tôm nuôi phải xuất bán theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc” - ông Quế cho biết.
Tôm nuôi đến kỳ thu hoạch nhưng ông Hoàng Tấn Quốc (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) chưa dám xuất bán. “Tôi nuôi tôm đã hơn 3 tháng rồi, rất muốn bán vì tôm đã đạt trọng lượng chừng 60 con/kg nhưng giá đang rớt nên cầm cự thêm. Mới đây, nhiều tư thương, đầu nậu thu mua tôm đã hỏi mua tôm với giá 115 nghìn đồng/kg cho tôm cỡ 60 con/kg, quá thấp so với thời điểm cuối năm 2017, cỡ tôm này có giá đến 160 nghìn đồng/kg. Nuôi tôm từ post 12 cho đến thời điểm này, giá thành rất cao, mỗi ký tôm tốn đến 120 nghìn đồng. Chừ bán thì lỗ mà để lại thì phải tốn thêm tiền lãi phải trả ngân hàng cho mình vay để đầu tư nuôi tôm từ đầu vụ” - ông Quốc cho biết.
Tương tự, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở huyện Núi Thành đến kỳ thu hoạch nhưng chưa dám bán vì rớt giá. Ông Nguyễn Trí Tuệ (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, Núi Thành) nói: “Nếu mọi năm tôm được mùa bị ép giá thì còn hiểu được chứ năm nay quá bất thường vì sản lượng thấp mà giá bán cũng quá thấp”.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh là do các nước nhập khẩu tôm từ nước ta có hàng thủy sản tồn kho nhiều. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc đang ưa chuộng loại tôm có kích cỡ 100 con/kg trở lên nên giá tôm các cỡ lớn chậm tiêu thụ. “Đang vào vụ thu hoạch tôm dẫn đến nguồn cung trên thế giới tăng lên. Trong khi đó, hiện chưa tới thời điểm tiêu thụ tôm mạnh trên thị trường nên các doanh nghiệp không mặn mà bán ra mà đưa ra mức giá gợi ý thấp. Muốn bán được nhiều, các nhà cung ứng phải chấp nhận bán giá thấp dẫn đến mặt bằng giá xuất khẩu cũng giảm theo” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói.