TIN THỦY SẢN

Quảng Nam: Triển vọng mô hình nuôi ếch thương phẩm

Nông dân tham quan mô hình nuôi ếch thương phẩm của ông Mai Trính. Ảnh: T.LÊ Tâm Lê

Nhận thấy nghề nuôi ếch phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn đã triển khai mô hình nuôi ếch thương phẩm, bước đầu cho kết quả khả quan, có thể nhân rộng trên địa bàn.

Với kinh nghiệm 11 năm nuôi ếch trong bể xi măng, ông Mai Trính (thôn Tứ Trung, xã Quế Lâm) mạnh dạn đăng ký thực hiện mô hình nuôi ếch thương phẩm do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn triển khai. Với quyết tâm thoát nghèo từ nghề nông và yêu thích việc chăn nuôi, ông Trính đã tìm hiểu và thử nghiệm nuôi ếch trong bể xi măng. Vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, sau vài năm đầu triển khai, ông Trính đã mở rộng diện tích nuôi ếch lên 300m² với 9 hồ nuôi. Với hình thức nuôi kế mí, ông Trính thường xuyên duy trì 4.000 con ếch trong hồ. Tuy nhiên, vì thiếu kỹ thuật chăn nuôi, cách xử lý khi ếch bị bệnh nên đàn ếch bị hao hụt nhiều. Tháng 4.2019, ông Trính tham gia mô hình nuôi ếch thương phẩm do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn triển khai. Theo đó, trung tâm hỗ trợ ông Trính 7.000 con ếch giống, 50% chi phí mua thức ăn và thuốc phòng, trị bệnh cho ếch, đồng thời thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc ếch.

Theo ông Trính, từ khi tham gia mô hình, ông được trung tâm tập huấn kỹ thuật nuôi cũng như cách phòng, điều trị một số bệnh thường gặp ở ếch như tê liệt, thình bụng, hiện tượng sốt xuất huyết... Đặc biệt, việc bổ sung vitamin C và men tiêu hóa cho ếch trong thời gian đầu để giúp ếch thích nghi với điều kiện chăn nuôi, tăng sức đề kháng, giảm hẳn lượng ếch hao hụt. Qua 3 tháng nuôi và chăm sóc, đàn ếch của gia đình ông Trính phát triển khỏe mạnh, đến nay bắt đầu xuất bán thương phẩm. “Trước đây, với số lượng duy trì 4.000 con trong hồ, một vụ ếch 2,5 tháng cho thu nhập khoảng 12 triệu đồng. Tham gia thực hiện mô hình, nhờ được hỗ trợ kỹ thuật nên đến nay ếch phát triển rất tốt, khả năng vụ này cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng” – ông Trính cho biết thêm.

Không riêng gì hộ ông Trính, việc tham gia mô hình nuôi ếch thương phẩm còn giúp một số hộ mới bắt đầu nuôi ếch được chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Mai (thôn Tứ Trung, xã Quế Lâm) bắt đầu nuôi ếch từ năm 2018 với diện tích 40m² gồm 4 hồ nuôi. Ông Mai cho biết, do mới nuôi nên ông không có kinh nghiệm, ếch thường xuyên bị bệnh và chết khiến tổng đàn hao hụt nhiều. Sau khi tham gia mô hình, nhờ được hỗ trợ kỹ thuật nên ông Mai nắm rõ quy trình chăn nuôi, nhất là việc phân ếch ra các hồ khác nhau theo kích cỡ, tránh tình trạng ếch lớn ăn ếch nhỏ. Hiện nay, ngoài thức ăn viên, ông Mai còn bổ sung các loại thức ăn tự nhiên như trùn, tôm, cá nhỏ, ốc giã nhuyễn giúp ếch phát triển tốt hơn. “Với giá thành dao động từ 45 – 50 nghìn đồng/kg như hiện nay, 3.000 ếch giống tham gia mô hình của gia đình tôi ước sẽ cho lãi hơn 7 triệu đồng, lợi nhuận gấp đôi so với năm 2018. Cuối năm nay, tôi sẽ xây thêm hồ để mở rộng diện tích nuôi ếch thương phẩm” – ông Mai chia sẻ.

Mô hình nuôi ếch thương phẩm được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn triển khai từ tháng 4.2019 với sự tham gia của 3 hộ dân ở xã Quế Lâm và Quế Ninh. Theo đó, trung tâm hỗ trợ 14.453 con ếch giống, 50% chi phí mua thức ăn và thuốc phòng, trị bệnh cho ếch. Cán bộ trung tâm thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của ếch để hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho các hộ. Ông Lê Quốc Sỹ - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn cho biết, đơn vị chọn tham gia mô hình gồm hộ nuôi ếch đã lâu và hộ mới nuôi để các hộ dễ dàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Việc nuôi ếch không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc nên người nuôi có thể cùng lúc phát triển các mô hình kinh tế khác. “Nuôi ếch thương phẩm không quá khó, điều quan trọng là phải nắm bắt được kỹ thuật và chịu khó quan sát tập tính sinh sống của ếch, chú trọng đến nguồn nước. Mô hình nuôi ếch thương phẩm là một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật mới, không gây ô nhiễm môi trường, có thể nhân rộng trên địa bàn huyện. Qua đó đẩy mạnh sản xuất thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường và góp phần tăng thu nhập cho nông dân” – ông Sỹ nói.

Tâm Lê Báo Quảng Nam