TIN THỦY SẢN

Quảng Nam: Vào vụ nuôi tôm

Nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 1 năm 2016 đã bắt đầu trên địa bàn huyện Thăng Bình.Ảnh: N.Q.V Nguyễn Quang Việt

Các nông hộ trên địa bàn huyện Thăng Bình đã đồng loạt thả giống trong những ngày qua, bước vào vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm 2016.

Thả giống

Tại xã Bình Nam, sau khi phơi đáy ao diệt tạp nhiều ngày, những hộ nuôi tôm bắt đầu lấy nước vào ao và tiến hành quy trình xử lý nguồn nước để thả giống. Ông Phan Văn Dũng ở thôn Nghĩa Hòa, người có hơn 10 năm nuôi tôm thẻ chân trắng cho biết, ông và các gia đình trong tổ nuôi tôm cộng đồng đã chung tay tu sửa lại công trình ao nuôi kiên cố, không thất thoát nước và thẩm lậu. Ngoài ra, nhờ gia cố cống, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nên vào thời điểm này, những người nuôi tôm quãng canh cũng yên tâm thả giống. “Được huyện thông báo có thể bắt đầu thả nuôi tôm từ tháng 2, chúng tôi đã nghiêm túc tuân thủ các quy trình cải tạo ao nuôi. Sau khi chọn con nước tốt, chúng tôi cũng đã lắng lọc trước khi nuôi tôm nên cũng bớt đi nỗi lo tôm nuôi hay bị bệnh như các vụ trước. Thời điểm này, nhiệt độ ổn định nhờ nắng ấm nên chúng tôi có thể yên tâm với vụ đầu tiên của năm” - ông Dũng nói. Ông Dũng thả nuôi tôm với mật độ 70 con/m2 ở 3 ao nuôi có tổng diện tích hơn 5.500m2. Gia đình ông đã chọn lựa giống C.P để thả nuôi.

Ở vụ này, gia đình ông Trần Văn Tuân (thôn Đông Tác, xã Bình Nam) thả nuôi 50 vạn con giống trong 3 ao nuôi có tổng diện tích 10.000m2. “Mọi năm gia đình nuôi tôm với mật độ dày, vì vậy tôm khó phát triển. Rút kinh nghiệm, ở vụ nuôi này, tôi thả nuôi thưa, chỉ 50 con/m2. Các khâu phơi phóng ao nuôi, giống, nguồn nước, cách chăm sóc tôm đều được gia đình đầu tư tốt hơn. Nghề này rủi ro nhiều nên phải làm đúng quy trình kỹ thuật” - ông Tuân nói. Đây là lần đầu tiên gia đình ông Xuân áp dụng quy trình nuôi khép kín. Thay vì lấy trực tiếp nguồn nước từ sông vào ao nuôi, ông Tuân đã thiết kế hệ thống ống dẫn để đưa nguồn nước vào ao chứa lắng có diện tích 2.000m2. Tại ao chứa lắng, sau khi xử lý, ông Xuân đã trữ nguồn nước sạch để thay nước trong 3 ao nuôi khi cần. Trước khi thả giống, ông Tuân đã cải tạo ao nuôi bằng chlorin, phơi nắng, diệt khuẩn kỹ càng. Với nguồn giống tốt được mua từ Công ty Việt - Úc và không có nguồn nước ao nuôi thẩm lậu ra bên ngoài nên ông Tuân rất kỳ vọng vào thành công của vụ nuôi này.

Tại các xã Bình Dương, Bình Sa, vào thời điểm này, nhiều hộ nuôi đang thả giống. Lịch mùa vụ bắt đầu từ tháng 2 nhưng trong những ngày qua có vài đợt gió lạnh nên các hộ nơi đây cẩn trọng thả nuôi vào đầu tháng 3. Chậm mà chắc nên người nuôi tin tưởng vào thành công của vụ nuôi này. Thực tế thì nuôi tôm ở xã Bình Sa cũng ít khi xảy ra, nhiều hộ nuôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng sau 1 năm lao động.

Hạn chế rủi ro

Theo Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, các dự báo về thời tiết năm nay cho thấy đây là năm tương đối thuận lợi cho nuôi tôm nước lợ. Bởi vậy, huyện tin rằng, địa phương vẫn sẽ là vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trọng điểm của tỉnh và tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong những năm đến. “Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng luôn đòi hỏi quy trình nuôi rất khắt khe. Ngoài chăm sóc tôm nuôi, các nông hộ cần phải kiện toàn hệ thống ao nuôi, đầu tư kỹ hệ thống kênh cấp, kênh thoát để có thể xử lý khép kín nguồn nước, tránh thẩm lậu mầm bệnh. Có một số thời điểm nhất định, do tâm lý ăn xổi ở thì, người nuôi tôm không bao quát được tính bền vững của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng vốn tiềm tàng nhiều mối nguy. Ý thức của người nuôi tôm quyết định thành bại của nghề nên ngành nông nghiệp huyện đã ra sức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người nuôi trong thời gian qua. Vậy nên, người nuôi đã tìm mọi cách để hạn chế rủi ro trong vụ nuôi mới này” - ông Nguyễn Xuân Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình nói.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, hiện nay thời tiết thuận lợi cho việc thả giống và chăm sóc tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, qua các mẫu xét nghiệm, hiện tượng tôm chết rải rác vẫn có xảy ra ở một vài địa phương vì vậy người nuôi không được chủ quan. Ngành thủy sản Quảng Nam khuyến cáo, để phòng ngừa tôm nuôi nhiễm bệnh, trong quá trình nuôi, các nông hộ không nên dùng chung các vật dụng sử dụng trong ao nuôi để tránh lây lan mầm bệnh. Người nuôi cần trang bị hệ thống lưới quanh ao nuôi để ngăn chim, cò mang các mầm bệnh từ ao này sang ao khác. Từ các khuyến cáo đó, Phòng NN&PTNT huyện yêu cầu các nông hộ đang chuẩn bị thả giống cần chú ý theo dõi thời tiết cũng như tình hình bệnh trên tôm nuôi để có kế hoạch thả nuôi phù hợp. Khi thả nuôi, cần quản lý ao nuôi tốt, kiểm soát chặt chẽ môi trường nước. Nếu không may xảy ra bệnh trên tôm nuôi, người nuôi cần thông báo ngay với UBND xã và ngành chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.

Vụ nuôi mới đã bắt đầu và người nuôi cũng như ngành thủy sản Thăng Bình đã chuẩn bị tốt các công đoạn phòng tránh bệnh trên tôm nuôi, chủ động sản xuất. Trên các đồng tôm ở các địa bàn của huyện, không khí phấn khởi, tin tưởng vào thành công của vụ nuôi tôm râm ran khắp các câu chuyện của người nông dân về sản xuất.

Nguyễn Quang Việt Báo Quảng Nam, 08/03/2016