Quang Ngãi: Điêu đứng vì tôm bị dịch
Tôm thẻ chân trắng nuôi trong hàng chục héc ta ao hồ ở Quảng Nam bỗng nhiên mắc dịch bệnh rồi chết hàng loạt, khiến nhiều người lâm vào cảnh trắng tay, ao nuôi đành phải bỏ hoang.
Cánh đồng tôm cạnh sông Trường Giang (thuộc địa phận xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) rộng hơn 50 ha, tôm đồng loạt thả nuôi từ đầu tháng 2.2019 nhưng đến nay hơn 90% diện tích ao hồ có tôm chết.
Hết lũ cuốn lại bị dịch
Ông Trình Quang Minh (69 tuổi, ở xã Tam Thăng) buồn bã cho biết đầu tháng 2 vừa rồi, gia đình thả nuôi hơn 20 vạn con tôm giống trên 8 hồ với diện tích mặt nước 4.000 m2. Đây là vụ thả mới sau sự cố mưa lũ lớn hồi cuối năm 2018 trên sông Trường Giang đã cuốn diện tích ao hồ tương đương của nhà ông Minh. “Sau lũ, gia đình tôi tiếp tục thả vụ mới thì tôm lại bị dịch chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, gia đình tôi mất trắng 2 vụ tôm”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, nguyên nhân tôm chết hàng loạt thời gian gần đây là do mắc các loại bệnh như hoại tử gan tụy cấp, hồng thân và một phần do nguồn nước sông Trường Giang ô nhiễm. Trong khi đó, tôm nuôi rất “nhạy cảm”, chỉ cần thời tiết biến động, nắng nóng hay lạnh đột ngột là mầm bệnh phát tán rất nhanh. “Ở đây nhiều hộ gia đình khác cũng bỏ hoang hàng chục hồ nuôi tôm vì không còn vốn đầu tư”, ông Minh chia sẻ.
Gia đình anh Phạm Khắc Cường (38 tuổi, trú xã Tam Thăng) có 4 hồ tôm rộng 2.000 m2 cũng vừa trải qua 2 vụ trắng tay. Tuy nhiên, anh Cường cho hay vẫn phải “cầm cự” vì nếu bỏ nghề nuôi tôm thì… không biết làm gì để có tiền trả nợ. “Hiện tại nhà tôi đang dọn dẹp hồ tôm để chuẩn bị thả lại 30 vạn tôm giống. Bây giờ chỉ mong tôm không bị bệnh, chứ nếu tôm chết trận nữa thì chắc bỏ xứ đi luôn”, anh Minh than thở.
Thiệt hại do nuôi không theo lịch ?
Ao tôm bỏ hoang, máy móc đưa lên bờ
Ông Châu Ngọc Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Tam Thăng, cho biết toàn xã có 60 hộ nuôi tôm chân thẻ trắng với diện tích khoảng 50 ha dọc sông Trường Giang. Từ đầu năm, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên số tôm của các hộ dân chết từ 40 - 45 ha. Theo ông Cảnh, địa phương đã thống kê thiệt hại và báo cáo cấp trên, đồng thời sử dụng Chlorin để xử lý một số hồ tôm bị ô nhiễm. “Tuy nhiên, diện tích tôm nhiễm bệnh quá lớn và thuốc không đủ, nên chúng tôi không thể xử lý triệt để”, ông Cảnh nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Nam, cho hay dịch bệnh diễn biến rất khó kiểm soát vì người dân nuôi tôm không theo lịch. Đối với các khu vực có tôm chết vì bệnh đốm trắng, cần cách ly ngay bằng cách đóng chặt cống, không cho nước thẩm lậu từ trong ra ngoài và ngược lại. Hiện UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất giao cho chi cục mua 20 tấn Chlorin trong năm 2019 từ nguồn ngân sách để hỗ trợ người dân nuôi tôm xử lý nguồn bệnh.
“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã nhập về kho 13 tấn Chlorin, sắp tới sẽ giao cho các địa phương để hỗ trợ những hộ nuôi tôm thực hiện đúng lịch nuôi. Không riêng gì Tam Thăng, mà nhiều xã trên địa bàn H.Duy Xuyên, H.Thăng Bình thời gian gần đây tôm cũng mắc bệnh rồi chết rất nhiều”, ông Nam nói.
Không riêng gì Tam Thăng, mà nhiều xã trên địa bàn H.Duy Xuyên, H.Thăng Bình thời gian gần đây tôm cũng mắc bệnh rồi chết rất nhiều.
Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Nam