TIN THỦY SẢN

Quảng Ngãi: Người mang hàu Thái Bình Dương về cửa biển Sa Huỳnh

Cán bộ kỹ thuật Trương Thị Mỹ Hạnh đang hướng dẫn người dân nuôi hàu Mạnh Hùng - TTKNKN Quảng Ngãi

Trong một chuyến công tác tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), chúng tôi được người dân giới thiệu về người đàn ông nuôi hàu đầu tiên ở vùng cửa biển Sa Huỳnh, đó là ông Công Văn Thanh ở thôn Thạnh Đức 1.

Gặp chúng tôi, ông Thanh vui vẻ giới thiệu về mô hình nuôi hàu đơn bằng lồng nổi của gia đình. Cơ duyên với con hàu là do trong một lần xem chương trình nhà nông làm giàu trên ti vi, ông Thanh thấy nuôi con hàu vốn đầu tư thấp, lại không phải đầu tư thức ăn, điều kiện môi trường nước vùng cửa biển Sa Huỳnh theo ông Thanh là phù hợp với đặc điểm sinh thái của con hàu. Nhận thấy lợi thế đó, ông Thanh quyết tâm xây dựng lồng nuôi hàu.

Thế nhưng, cái khó với ông là kỹ thuật nuôi hàu lồng nổi như thế nào? Nguồn giống ở đâu? Kỹ thuật quản lý chăm sóc ra sao? ... Ông Thanh đã tìm đến Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ để được hướng dẫn, cán bộ kỹ thuật đã giúp đỡ ông tận tình từ khâu lựa chọn vùng nuôi, kỹ thuật xây dựng lồng, tuyển chọn con giống, kỹ thuật thả giống, đến khâu chăm sóc quản lý và thu hoạch.

Cùng lúc đó, Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ nhận triển khai thực hiện mô hình nuôi hàu đơn Thái Bình Dương (TBD) theo hình thức lồng nổi từ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Ngãi. Tận dụng cơ hội, ông Thanh đã làm đơn xin thực hiện mô hình với quy mô ban đầu là 50 m2. Ông được Trạm Khuyến nông Đức Phổ đầu tư 100% tiền hàu giống, cấp phát tài liệu và tập huấn kỹ thuật nuôi, cán bộ kỹ thuật định kỳ đến tận lồng nuôi hướng dẫn phương pháp chăm sóc, quản lý hàu. Sau 6 tháng nuôi, hàu phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 65%, trọng lượng đạt 12 con/kg.

Theo ông Thanh, khi nuôi hàu cần chú ý, định kỳ hàng tháng vệ sinh hàu và hệ thống nuôi 1 lần, không được làm vỡ vỏ hoặc sứt mẻ gờ sinh trưởng của hàu, loại bỏ các loài vật địch hại như cua, ốc lông... đồng thời kiểm tra tốc độ tăng trưởng và tiến hành san thưa những cá thể hàu chênh lệch lớn về kích cỡ. Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước; đặc biệt, khi độ mặn xuống dưới 20‰ cần di chuyển lồng nuôi đến nơi khác phù hợp hơn. Ông Thanh cho biết thêm, trong năm tới ông sẽ mở rộng diện tích lồng nuôi để tăng thu nhập cho gia đình.

Anh Cao Nhanh, người nuôi cá lồng ở xã Phổ Thạnh cho biết, hiện anh đang nuôi 15 lồng cá mú và cá hồng đỏ, định kỳ 3 ngày anh phải vệ sinh lồng rất tốn công, từ mô hình nuôi hàu của ông Thanh, anh Nhanh nảy sinh sáng kiến thả dây hầu trong lồng nuôi cá của gia đình. Kết quả, hàu lớn nhanh lại có tác dụng ngăn cản vật thể bám vào lồng nuôi cá. Anh Nhanh vui cười nói: “Bây giờ mỗi tháng vệ sinh lồng nuôi cá một lần cũng được”. Năm tới, anh Nhanh sẽ thả dây hàu xung quanh toàn bộ các lồng nuôi cá, vừa hạn chế công lao động vệ sinh lồng, vừa tăng thu nhập cho gia đình từ việc bán hàu.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh đánh giá, đây là đối tượng nuôi phù hợp với khả năng đầu tư của người dân lại cho hiệu quả kinh tế khá cao. Với giá bán hiện nay 32.000 đồng/kg hàu, người nuôi hàu lãi khoảng 50% tổng vốn đầu tư. Địa phương sẽ tiến hành khảo sát và qui hoạch vùng nuôi phù hợp với con hàu, nhằm nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn xã, tạo việc làm cho lượng lớn lao động nhàn rỗi, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân./.

Mạnh Hùng - TTKNKN Quảng Ngãi Khuyến Nông VN, 21/11/2013