Quảng Ngãi: Tôm chết hàng loạt, nghi nhiễm bệnh đốm trắng
Từ đầu tháng 3 đến nay, các hộ nuôi tôm ở thôn Cổ Lũy Bắc - Vĩnh Thọ, xã Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi) điêu đứng bởi tôm nuôi của họ chết hàng loạt, nhiều hộ trắng tay.
Sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân về tôm dịch bệnh chết, ngày 23/4, Chi cục Thú y Quảng Ngãi đã đến các hồ nuôi để lấy mẫu nước kiểm tra độ mặn và lấy mẫu tôm phân tích tìm rõ nguyên nhân.
Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Thuỷ sản, Chi cục Thú y Quảng Ngãi cho biết, theo nhận định sơ bộ, tôm có khả năng nhiễm bệnh đốm trắng vì trên lớp vỏ có những chấm trắng li ti, lấy tay cào nhẹ không tróc. Chi cục sẽ gửi mẫu ra Cơ quan Thú y vùng IV xét nghiệm để có kết quả chính xác hơn. Bên cạnh đó, Chi cục cũng yêu cầu các hộ nuôi tôm ở khu vực nhiễm bệnh sử dụng ngay hoá chất chlorine để khử trùng tiêu độc hồ nuôi; phơi hồ trong vài tháng để diệt hết mầm bệnh sau đó mới thả nuôi lại. Ngoài ra, Chi cục cũng sẽ xem xét đề nghị hỗ trợ đối với những hộ có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch tôm giống hợp pháp.
Nhiều người dân nuôi tôm bị chết cho hay họ đã nhập giống tôm của Công ty CP Nam miền Trung để thả nuôi. Từ ngày 10/3 đến nay tôm chết bất thường. Trong đó, có 54 hộ nuôi tôm ở thôn Cổ Lũy Bắc - Vĩnh Thọ, xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi đang điêu đứng trước tình trạng tôm thả nuôi khoảng 1 tháng đột nhiên mắc bệnh và chết hàng loạt, nhiều hộ trắng tay.
Ông Phan Văn Bé, người nuôi tôm ở thôn Cổ Lũy Bắc - Vĩnh Thọ, cho biết, vụ tôm này ông thả nuôi 5 hồ tôm, với 250.000 con/hồ. Ban đầu, tôm phát triển bình thường, nhưng đến 25 ngày tuổi tôm chết nổi khắp mặt nước. Không còn tiền đầu tư mua giống “có địa chỉ”, gia đình ông phải chấp nhận mua giống trôi nổi trên thị trường để thả lại, nhưng tôm vẫn chết nên đành bỏ hồ trắng.
Ông Trần Thanh Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Phú, cho hay, do không có đất sản xuất nông nghiệp, người dân trong xã phải dựa theo mé sông Trà Khúc để nuôi tôm. Hiện tại, xã có khoảng 16ha nuôi tôm, nhưng có tới 15 ha đã chết sạch. Trước tình hình này, Hội đã báo cáo cho chính quyền địa phương tìm hướng xử lý; đồng thời khuyến cáo bà con ngừng nuôi một thời gian.