TIN THỦY SẢN

Quảng Ninh: Chương trình kiểm soát nhuyễn thể giúp nâng cao hiệu quả sản xuất

Ảnh minh họa Văn Thọ

Do nguồn giống nuôi không đảm bảo, thời tiết bất lợi, nuôi không đúng mật độ, ô nhiễm môi trường, nghề nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại Vân Đồn – Quảng Ninh đã phải đối mặt với việc vật nuôi chết hàng loạt. Hiện nay, nhiều người dân và doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã chuyển từ nuôi tu hài sang nuôi hàu Thái Bình Dương. Đây là một trong những loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị cao về dinh dưỡng và kinh tế với hình thức nuôi đơn giản, thị trường xuất khẩu rộng lớn.

Nhằm tránh thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại những vùng không bảo đảm vệ sinh an toàn, chương trình kiểm soát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đã được thiết lập và thực hiện tại vùng nuôi Vân Đồn, nơi có vùng nuôi trồng tập trung nhuyễn thể lớn.

Từ năm 2009 đến 2015, hàng nghìn mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đã được Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ kinh phí giám sát. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản thực hiện lấy 33 mẫu (11 mẫu NT2MV, 22 mẫu nước) kiểm tra tảo độc, độc tố sinh học, vi sinh vật gây bệnh (E.coli), kim loại nặng, thuốc trừ sâu gốc Chlor hữu cơ. Kết quả phân tích các mẫu đạt yêu cầu.

Nội dung chính khi thực hiện chương trình này là: Lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu (mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, mẫu nước kiểm tra tảo độc, độc tố sinh học, vi sinh vật, kim loại nặng); thông báo chế độ thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; thực hiện kiểm soát thu hoạch và cấp giấy chứng nhận xuất xứ nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; xử lý các trường hợp cảnh báo… với tần suất 2 lần/tháng. Đặc biệt, các mẫu sau khi có kết quả thông báo về chế độ thu hoạch và xử lý sau thu hoạch sẽ được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản tỉnh chuyển thông báo đến các công ty và các đơn vị liên quan để đăng ký, giám sát thu hoạch và cấp giấy chứng nhận xuất xứ nhuyễn thể 2 mảnh vỏ cho các lô nhuyễn thể thu hoạch. Nhờ thực hiện nghiêm các quy định của chương trình, sản phẩm hàu Thái Bình Dương của các doanh nghiệp này đều có hàm lượng protein cao, không có chất độc, không bị nhiễm chì, thuỷ ngân…Điều này đã làm tăng cơ hội cho các doanh nghiệp dễ dàng thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao uy tín, duy trì sự phát triển bền vững của ngành thuỷ sản Quảng Ninh.

Chương trình này đã kết thúc vào cuối năm 2015, nhưng vì  hiệu quả mà Chương trình mang lại rất tích cực, do đó các doanh nghiệp tại Vân Đồn - Quảng Ninh kiến nghị với Sở NN&PTNT tiếp tục thực hiện chương trình giám sát này và kinh phí do đơn vị tự chi trả.

Văn Thọ Fistenet, 15/07/2016