Quảng Ninh: Đồng Rui (Tiên Yên): Hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản bị bỏ hoang
Từ kỳ vọng đến thất vọng, đó là tâm trạng chung của nhiều người dân và chính quyền xã Đồng Rui đối với dự án nuôi trồng thuỷ sản của Công ty CP Thiên Thành. Bởi vì, từ năm 2008 cho đến nay, hơn 106ha của xã đã bị Công ty bỏ hoang và người dân tại địa phương thì đang rơi vào tình cảnh không có đất để sản xuất.
Lãng phí tư liệu sản xuất vì dự án “án binh bất động”
Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi đến thăm xã Đồng Rui, địa phương được các tổ chức về môi trường đánh giá là nơi có hệ sinh thái đa dạng, nhất nhì miền Bắc với giá trị kinh tế cao. Nhắc đến những giá trị kinh tế do rừng ngập mặn (RNM) mang lại, ông Nguyễn Quốc Trưởng, Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Rui không giấu nổi niềm tự hào cho chúng tôi biết: “Đồng Rui có diện tích RNM lớn nhất huyện Tiên Yên với trên 2.000ha. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi cho các loại thuỷ sản sinh sống và phát triển”. Ông Trưởng cũng cho biết thêm: “Xác định nuôi trồng thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn nên từ năm 1992, huyện Tiên Yên và xã Đồng Rui đã có cơ chế cấp 1.500ha diện tích đất RNM cho các hộ dân trong xã và các chủ đầm đầu tư, khoanh nuôi tạo nên những ô đầm nuôi trồng thuỷ sản, chuyển thành vùng nuôi tôm. Tuy nhiên, do nguồn vốn nhỏ giọt nên các doanh nghiệp chỉ trụ được một thời gian đầu, nhiều dự án theo đó bị chững lại hoặc bỏ không. Huyện và địa phương cũng đã tiến hành rà soát, phục hồi lại những diện tích RNM đã bị phá huỷ, đầu tư không có hiệu quả. Cho đến thời điểm hiện tại, việc hơn 106ha diện tích đất bị bỏ hoang thuộc dự án của Công ty CP Thiên Thành đang là nỗi trăn trở lớn nhất của chúng tôi”.
Theo chân ông Trưởng, chúng tôi đã ra thôn Hạ, khu vực có hơn 106ha diện tích cho Công ty CP Thiên Thành thuê để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản. Đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà cấp 4 bị bỏ hoang, tường gạch tróc vữa và nếu không được ông Trưởng giới thiệu, chúng tôi không thể tưởng tượng rằng đó là trụ sở của Công ty CP Thiên Thành. Đứng trên bờ đê, ngay sát trụ sở của công ty, nhìn hàng trăm ha đất đã từng là khu RNM giờ chỉ còn là những mặt đất trơ cạn nước, lơ thơ ít sú vẹt khiến cho chúng tôi thật sự thấy tiếc, khi nguồn tư liệu sản xuất quý giá của bà con đang bị bỏ hoang. Ông Hoàng Đăng Long, người trước kia có hơn 3,1ha đất nuôi trồng thuỷ sản ở đây buồn bã nói với chúng tôi: “Trước khi bàn giao đất cho công ty, gia đình đã mất 3-4 năm trời để ngăn thành 4 ao. Trong đó, 3 ao nhỏ đã nuôi được 2 vụ. Nếu cứ để nguyên, thì giờ con cái chúng tôi không phải lang bạt làm thuê và biết đâu cuộc sống không khốn khó như bây giờ?”. Cùng chung nỗi buồn như ông Long, chị Nguyễn Thị Phường cho biết “Gia đình tôi là 1 trong 12 hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi vì dự án. Giờ nhà cũng chỉ còn 1-2 sào ruộng, trồng rau màu quanh năm chẳng đủ ăn. Nhìn thấy đất đai bị lãng phí nên từ năm ngoái, chúng tôi ra trồng thêm ít khoai lang, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, do đất hoang hoá lâu ngày nên hiệu quả không cao”. Chị Nguyễn Thị Phường thở dài.
Cách nào để hồi sinh đất hoang?
Tìm hiểu về nỗi trăn trở cũng như bức xúc của người dân thôn Hạ, xã Đồng Rui chúng tôi được biết, năm 2008 UBND tỉnh có quyết định cho Công ty CP Thiên Thành thuê 106,1ha để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản. Công ty CP Thiên Thành tự thoả thuận GPMB với những hộ có diện tích đất nằm trong dự án. Các hộ dân đã tiến hành bàn giao đất với tổng diện tích gần 20ha ngay trong năm 2008, nhưng cho đến nay Công ty CP Thiên Thành không hề triển khai bất cứ một hoạt động nào. Việc tìm gặp lãnh đạo hay nhân viên của Công ty cũng không thể thực hiện được, vì Công ty đăng ký thành lập trụ sở giao dịch ngay tại thôn Hạ nhưng sau khi nhận bàn giao đất thì không còn một ai ở lại, ngoài trụ sở đã bị bỏ hoang như đã nói ở phần trên. 2 năm trở lại đây, ông Trưởng cùng một số người dân trong thôn Hạ đã nhiều lần gọi điện đến số điện thoại ghi trên tấm bảng gần trụ sở của công ty, nhưng đều bị trả lời là nhầm máy hoặc trả lời rất khó nghe. Trong khi đó, theo như tính toán của chính quyền xã Đồng Rui, nếu như được tái tạo lại diện tích RNM và đất sản xuất của bà con nằm trong dự án thì khoảng 3 năm nữa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui giải thích cho chúng tôi biết thêm: “Trong tổng diện tích hơn 2.700ha RNM, hiện xã đã có trên 2.200ha rừng được trồng phục hồi. Số còn lại hiện đang tiếp tục được hỗ trợ khôi phục. Việc hồi sinh những cánh RNM đã giúp cho sản lượng thuỷ sản cũng như đa dạng loài được phục hồi, đặc biệt có những loại thuỷ hải sản đặc trưng, giá trị kinh tế cao có nguy cơ mất đi như ruốc, ốc đĩa, cua… tới nay đã được phục hồi gần như hoàn toàn. Chỉ tính riêng trong năm 2012, tổng giá trị sản lượng thuỷ sản đã chiếm tới 2/3 tỷ trọng kinh tế của Đồng Rui. Trong tương lai, nếu hoàn nguyên được môi trường cho hơn 106ha của Công ty CP Thiên Thành, chúng tôi tin tưởng rằng sản lượng thuỷ sản khai thác hàng năm sẽ không còn dừng lại ở 347 tấn nữa”.
Lời kết
Có thể nhận thấy, dự án nuôi trồng thuỷ sản “trên giấy” của Công ty CP Thiên Thành tại thôn Hạ, xã Đồng Rui đang gây lãng phí đất đai và ảnh hưởng không nhỏ đến việc hồi phục những cánh RNM để tạo môi trường sống lâu dài cho các loài hải sản. Thiết nghĩ, lời giải cho việc hồi sinh hơn 106ha đất hoang hoá đã có. Tuy nhiên, việc thực hiện lời giải ấy như thế nào thì lại cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chứ không thể chỉ riêng từ phía chính quyền và nhân dân xã Đồng Rui./.