Quảng Ninh: Hướng dẫn biện pháp phòng chống một số loại bệnh dịch nguy hiểm thường gặp trên tôm nuôi
Nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra đối với tôm nuôi năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Hướng dẫn số 670/SNN&PTNT-TYTS về các biện pháp phòng, chống một số loại bệnh dịch nguy hiểm thường gặp trên tôm nuôi tại Quảng Ninh.
Năm 2017, Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung sẽ chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão lũ, nhiệt độ trung bình cũng tăng từ 0,5 – 10C so với năm 2016, tạo điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi bùng phát mạnh. Do đó, người nuôi tôm cần có biện pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả để đảm bảo năng suất và kinh tế. Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ban hành hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng chống một số bệnh dịch nguy hiểm, thường gặp trên tôm nuôi tại Quảng Ninh.
Về công tác phòng bệnh đốm trắng:
Đối với bệnh đốm trắng, là bệnh do virus gây ra trên tôm thông qua một số vật chủ như giáp xác, giun nhiều tơ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, mực. Tôm có thể nhiễm bệnh ở mọi giai đoạn, song mẫn cảm nhất trong khoảng 40 – 65 ngày sau thả, với tỷ lệ tôm chết lên đến 90% trong vòng 3 – 7 ngày. Bệnh xuất hiện quanh năm, song phát triển mạnh vào lúc giao mùa, lây lan theo cả 2 chiều ngang và dọc (từ tôm bệnh, vật chủ sang tôm khỏe hoặc từ tôm bố mẹ sang tôm con). Tôm bệnh có dấu hiệu ăn nhiều rồi đột ngột bỏ ăn, lờ đờ rồi chết, trên thân tôm bệnh có nhiều đốm trắng.
Để phòng bênh đốm trắng, người nuôi cần sử dụng tôm bố mẹ và tôm giống khỏe mạnh, không mắc bệnh; tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh, khử trùng ao nuôi và dụng cụ, phương tiện bảo hộ và người nuôi trong quá tình nuôi tôm; sử dụng nguồn thức ăn có chất lượng tốt, không mang mầm bệnh; xử lý nguồn nước trước và sau khi đưa vào ao nuôi; kiểm tra định kỳ chất lượng nước ao nuôi; theo dõi chặt chẽ sức khỏe tôm và việc sử dụng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi.
Khi xảy ra dịch bệnh hoặc nghi ngờ có dịch, người nuôi cần chủ động thông báo cho cơ quan chức năng và các cơ sở nuôi lân cận để có các biện pháp phòng bệnh kịp thời. Chủ động thu hoạch tôm nuôi nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm, đảm bảo các nguyên tắc trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ vật nuôi, không làm lây lan dịch bệnh. Nếu tôm chưa đạt kích cỡ thu hoạch, cần tiêu hủy tôm theo đúng quy định, không vứt tôm bệnh ra môi trường, tránh làm lây lan dịch bệnh. Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh. Ao tôm và dụng cụ sau khi thu hoạch phải được xử lý bằng hóa chất theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Phòng bệnh Hoại tử gan tụy cấp:
Bệnh Hoại tử gan tụy cấp do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tại Quảng Ninh thường xuất hiện nhiều từ tháng 3 đến tháng 8. Bệnh lây từ tôm bệnh sang tôm khỏe hoặc mầm bệnh từ môi trường, tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ chết cao, có thể lên đến 90% chỉ sau 3-5 ngày. Tôm mắc bệnh có dấu hiệu bỏ ăn, lờ đờ, chậm lớn, chết rải rác, vỏ mềm, gan tụy bị hoại tử.
Để phòng bệnh, người nuôi cần lựa chọn tôm giống, tôm bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, không mang mầm bệnh; đảm bảo các nguyên tắc vệ sinh với ao nuôi, nước và dụng cụ sử dụng trong nuôi tôm; kiểm tra, kiểm soát chất lượng ao nuôi và nước ao nuôi; sử dụng nguồn thức ăn hợp vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng, không mang mầm bệnh, bổ sung vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng của tôm nuôi; theo dõi ao nuôi và sức khỏe tôm nuôi định kỳ, đặc biệt người nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trong 6 tuần đầu sau khi thả cần định kỳ lấy mẫu tôm, nước, bùn 2 tuần/lần để kiểm soát khuẩn Vibrio trong ao nuôi và phát hiện sớm khuẩn mang gen gây bệnh.
Khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi cần chủ động thông báo cho cơ quan chức năng và các cơ sở nuôi lân cận để có các biện pháp phòng bệnh kịp thời. Trường hợp mẫu nước hoặc mẫu bùn phát hiện khuẩn Vibrio vượt quá giới hạn cho phép, cần sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học trong danh mục được phép sử dụng để giảm số lượng khuẩn trong ao. Trường hợp phát khuẩn Vibrio parahaemolyticus mang gen gây bệnh hoại tử song tôm chưa chết, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, tăng cường sức đề kháng cho tôm, điều chỉnh chế độ ăn và các yếu tố môi trường nuôi để tăng sức đề kháng cho tôm. Có thể sử dụng kháng sinh để trị bệnh, song việc điều trị ít có hiệu quả và không khả thi. Cần xác định chính xác tác nhân gây bệnh và thử kháng sinh đồ để sử dụng kháng sinh hiệu quả, tránh lạm dụng kháng sinh; tuân thủ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trường hợp phát hiện tôm chết, cần chủ động thu hoạch tôm nuôi nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm, đảm bảo các nguyên tắc trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ vật nuôi, không làm lây lan dịch bệnh. Nếu tôm chưa đạt kích cỡ thu hoạch, cần tiêu hủy tôm theo đúng quy định, không vứt tôm bệnh ra môi trường, tránh làm lây lan dịch bệnh. Ao tôm và dụng cụ sau khi thu hoạch phải được xử lý bằng hóa chất theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Bệnh Vi bào tử trùng:
Bệnh do ký sinh trùng gây ra, làm ảnh hưởng tới tế bào gan, tụy, cơ lưng và cơ bụng của tôm. Một khi mắc bệnh, tỷ lệ tôm chết có thể lên đến 80%. Bệnh lây theo cả 2 chiều ngang và dọc. Bệnh xảy ra quanh năm và phân bố ở hầu khắp các vùng nuôi tôm. Tôm bệnh kém ăn, hoạt động chậm, sinh trưởng chậm, xuất hiện các đám màu trắng đục hoặc trắng sữa trên vùng cơ lưng, cơ bụng và khối gan tụy.
Để phòng bệnh, người nuôi cần lựa chọn tôm giống, tôm bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, không mang mầm bệnh; xử lý ao nuôi trước khi thả nuôi; kiểm soát tốt tác nhân trung gian lây bệnh, đảm bảo các nguyên tắc vệ sinh với ao nuôi, nước và dụng cụ sử dụng trong nuôi tôm; kiểm tra, kiểm soát chất lượng ao nuôi và nước ao nuôi; sử dụng nguồn thức ăn hợp vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng, không mang mầm bệnh, bổ sung vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng của tôm nuôi; theo dõi ao nuôi và sức khỏe tôm nuôi định kỳ, tuyệt đối không dùng kháng sinh để phòng bệnh.
Trường hợp tôm bị nhiễm bệnh nặng, bỏ ăn, xuất hiện tôm chết rải rác, cần tiến hành thu hoạch ngay để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo không lây lan mầm bệnh ra môi trường trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, chế biến. Thông báo cho cơ quan chức năng và các cơ sở nuôi lân cận để có các biện pháp phòng bệnh kịp thời.
Các biện pháp kỹ thuật tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh dịch, chết vì bệnh
Khu cách ly phải được đặt ở vị trí khô ráo, cách xa khu vực nuôi, nguồn nước, nhà ở tối thiểu 50m. Hố xử lý hình vuông hoặc chữ nhật, sâu tối thiểu 1m, kích thước phù hợp với số lượng động vật thủy sản cần tiêu hủy. Hố phải được đảm bảo không thấm nước ra bên ngoài, có nắp đậy kín, có hàng rào ngăn chặn động vật xâm nhập và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Thủy sản khi được phát hiện chết do dịch bệnh cần được vớt khỏi ao bằng vợt chuyên dụng, cho vào thùng kim loại hoặc thùng nhựa đáy kín, có nắp đậy và được vận chuyển đến hố xử lý. Hóa chất sử dụng trong tiêu hủy phải thuộc danh mục hóa chất được phép lưu hành tại Việt Nam có tác dụng tiêu độc khử trùng mạnh. Khi tiêu hủy, cần rải một lớp vôi bột xuống đáy hố (1kg/m2, đổ động vật thủy sản vào, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên, lấp đất dày ít nhất 1m. Phun sát trùng khu vực chôn lấp.
UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, phường, thị trấn có nuôi tôm, theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm giống và nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện.