TIN THỦY SẢN

Quảng Ninh nhân giống và nuôi thành công cá đối mục thương phẩm

Sau 4 tháng nuôi cá đối mục có trọng lượng trung bình đạt 6 lạng Hải Hà

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, Trung tâm khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh đã nuôi thành công cá đối mục thương phẩm tại một số vùng nuôi thuộc xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên. Thành công này đã mở ra một hướng đi mới trong việc tìm đối tượng nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao, dần thay thế cho vùng nuôi tôm sú thường xảy ra dịch bệnh.

Gia đình ông Lộc Cá Pắn ở thôn Thống Nhất xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên trước đây chủ yếu đầu tư vào nuôi tôm sú. Nhưng liên tục 3 năm trở lại đây cứ gần đến vụ thu hoạch dịch bệnh thường xuyên xảy ra đã gây thiệt hại kinh tế lớn cho gia đình. Từ thực tế đó, tháng 6 năm nay, ông Pắn đã mạnh dạn chuyển đổi 3 hecta sang nuôi 60.000 con cá đối mục do Trung tâm khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh tiến hành nghiên cứu sản xuất giống, nuôi thương phẩm. Theo ông Pắn, cá đối mục bán giá thị trường bây giờ được 100.000đ/kg, giá trị so sánh với con tôm thì hơn, bên cạnh đó loại cá này có sức đề kháng tốt, không bị dịch bệnh.

Không riêng hộ gia đình ông Pắn mà một số hộ dân trong xã Hải Lạng cũng thử nghiệm nuôi cá đối mục. Sau 4 tháng nuôi cá đối mục có tốc độ phát triển rất tốt, trọng lượng trung bình đạt 6 lạng. Giống cá này có ưu điểm là có thể nuôi xen canh với các đối tượng nuôi khác và có thể sống ở vùng nước mặn, nước ngọt và nước mặn lợ, thích ứng tốt với điều kiện môi trường biến đổi, khả năng chịu lạnh tốt nên có thể nuôi qua vụ đông từ năm này sang năm khác.

Từ thực tế nuôi thử nghiệm thành công cá đối mục sẽ mở ra một hướng đầu tư mới cho những diện tích nuôi tôm sú thường xuyên xảy ra dịch bệnh tại huyện Tiên Yên nhiều năm qua. Nhất là tại Hải Lạng, một xã có diện tích nuôi tôm lớn nhất của huyện với 220 hecta.

Ông Vũ Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: "Huyện Tiên Yên  hiện nay đang tập trung cho một số dự án lớn là đầu tư hệ thống điện, xây dựng 1 số mô hình  nuôi tôm thẻ chân trắng, đồng thời lập lại quy hoạch vùng nuôi và chuyển đổi 1 số vật nuôi từ nuôi  tôm sú sang nuôi xen canh tôm giảo, cá đối mục".  

Hiện Trung tâm khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh đã tiếp nhận toàn bộ kỹ thuật nhân giống, nuôi thương phẩm cá đối mục do Trường Đại học thủy sản Nha Trang chuyển giao và đã làm chủ được kỹ thuật, chủ động sản xuất lượng con giống lớn đáp ứng nhu cầu nuôi đại trà tại Quảng Ninh.


Nuôi cá đối mục sẽ mở ra hướng đi mới cho những diện tích nuôi tôm sú thường xuyên xảy ra dịch bệnh

Ông Vũ Công Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm KHKT và SX con giống thủy sản Quảng Ninh cho biết: "Đến thời điểm này chúng tôi đã sản xuất được  hơn 1 triệu con giống và đã cung cấp cho bà con trong tỉnh. Mục tiêu của chúng tôi là đưa cá đối mục vào để đa dạng hóa đối tượng nuôi cho ngư nghiệp Quảng Ninh. Cá đối mục có phổ thức ăn rộng có thể sử dụng thức ăn bùn bã hữu cơ và dong tảo tận dụng,  lại có khả năng cải tạo môi trường nên đối tượng cá đối mục có thể nuôi trong những vùng nuôi trồng thủy sản bị suy thoái nuôi lâu, điển hình như vùng nuôi tôm ở Hải Lạng, Tiên Yên".

Dự án sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá đối mục được thực hiện dựa trên nguồn vốn hỗ trợ thuộc chương trình nông thôn miền núi phối hợp giữa Bộ Khoa học Công nghệ và Tỉnh Quảng Ninh, đã giúp cho người nông dân có thêm một lựa chọn trong việc tìm đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao để nuôi trồng tại những vùng nuôi thủy sản bị suy thoái lâu năm. Đồng thời thêm một lần nữa khẳng định vai trò của khoa học công nghệ trong nghiên cứu sản xuất giống thủy sản chất lượng, hướng tới việc nuôi trồng và phát triển thủy sản bền vững của Quảng Ninh.

Hải Hà Báo Quảng Ninh, 07/12/2013