Quảng Ninh: Nuôi thuỷ sản vụ thu - đông: Chủ động phòng ngừa dịch bệnh
Nhìn lại thực tế trong vụ nuôi xuân - hè vừa qua cho thấy dịch bệnh đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như nuôi tu hài thời gian qua đã có hàng trăm nghìn ô lồng nuôi của gần 700 hộ nuôi tu hài trên địa bàn huyện Vân Đồn đã mắc nội ký sinh Perkinsus spp, một loại dịch bệnh đã gây bệnh cho tu hài nuôi tại các địa phương Cát Bà (Hải Phòng), Nha Trang (Khánh Hoà) trước đó. Chỉ tính riêng thiệt hại về con giống, người nuôi tu hài tại Vân Đồn đã mất hơn 200 tỷ đồng. Hiện tại, dịch bệnh đối với tu hài tại Vân Đồn vẫn chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu, ngành chức năng và địa phương vẫn khuyến cáo người nuôi tạm dừng nuôi trong khoảng thời gian từ 2 năm trở lên, chuyển sang nuôi các đối tượng nuôi khác.
Riêng đối với nuôi tôm, vụ nuôi xuân hè, toàn tỉnh thả nuôi hơn 8.500ha, trong đó có hơn 6.200ha nuôi tôm sú. Dịch bệnh đã gây hại đối với hơn 590ha nuôi tôm trong tỉnh, trong đó tại huyện Tiên Yên đã có 457,6ha tại 221 ao đầm bị mắc bệnh; TX Quảng Yên có hơn 100ha; huyện Đầm Hà 8,7ha; TP Móng Cái 25ha. Qua kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng, hầu hết diện tích ao nuôi tôm mắc bệnh MBV - bệnh còi tôm.
Hiện nay, các doanh nghiệp và người nuôi tôm tại các địa phương đang thu hoạch tôm vụ xuân - hè và tập trung thả giống cho vụ thu - đông theo hình thức luân canh gối vụ. Vụ thu - đông, dự kiến toàn tỉnh sẽ thả nuôi hơn 3,5 tỷ con giống thuỷ sản các loại, bao gồm tôm, cá nước ngọt, cá nuôi nước mặn, nước lợ và nuôi nhuyễn thể. Đến thời điểm này, việc thả giống đã đạt trên 90%, các hộ nuôi đang tập trung chăm sóc.
Theo đánh giá của ngành chức năng, vụ nuôi thu - đông năm nay, tình hình nuôi trồng thuỷ sản sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh. Đối với nuôi nhuyễn thể nói chung, nuôi tu hài nói riêng, hiện nay tại vùng biển Vân Đồn, môi trường nước cho nghề nuôi cũng bị ảnh hưởng nên sẽ có tác động xấu đối với nghề nuôi trong những vụ tiếp theo, trong khi đó loại bệnh đối với tu hài hiện chưa có cách chữa trị hữu hiệu. Bên cạnh đó, nguồn giống cung cấp cho nghề nuôi này chưa đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người nuôi thuỷ sản cần mua bán, thả nuôi con giống đã được kiểm dịch; phòng trừ dịch bệnh theo đúng quy định của nhà nước và các cơ quan chuyên môn; tuân thủ nghiêm quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản của địa phương. Đối với nuôi tôm, do dịch bệnh xuất hiện vào thời điểm giữa và cuối vụ xuân - hè nên nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn tại ao nuôi và khu vực xung quanh ao nuôi đã mắc bệnh trước đó là rất lớn. Đặc biệt với tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ lây lan rộng sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi nếu không được phòng bệnh kịp thời từ khâu cải tạo môi trường ao nuôi, thả giống đến chăm sóc.
Đồng chí Trần Xuân Đông, Chi cục Phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản vụ thu - đông này, ngay từ đầu vụ nuôi, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành khuyến cáo người nuôi thả nuôi theo đúng quy hoạch vùng nuôi, khung thời vụ; tổ chức kiểm tra các hoạt động sản xuất và kinh doanh con giống thuỷ sản trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh về bộ tiêu chí Viet GAP, biện pháp bảo vệ môi trường, phòng trị bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nghề nuôi; tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên các vùng nuôi; giám sát việc sử dụng thuốc, hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản; phát hiện, tổ chức bao vây, xử lý ngay ổ dịch bệnh không để dịch bệnh lây lan. Bên cạnh sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, người nuôi cần tuân thủ đầy đủ các quy trình, kỹ thuật nuôi đảm bảo vụ nuôi thắng lợi.