Quảng Ninh: Tôm thẻ chân trắng vùng biên
Nghề nuôi TTCT ở Móng Cái trong những năm qua phát triển mạnh, trở thành một trong những địa phương đi đầu nuôi TTCT.
Được quảng bá thông qua một nhãn hiệu tập thể, tôm thẻ chân trắng (TTCT), một đối tượng thủy sản chủ lực đang được đầu tư mạnh bằng công nghệ tiên tiến ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Từ lâu, chính sách mở cửa đường biên đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Móng Cái dễ dàng tiếp cận với ngành nuôi TTCT phát triển của Trung Quốc.
Mặc dù trước đây ngành thủy sản không cho phép nuôi TTCT, nhưng những chủ đầm tôm ở đây đã du nhập giống, thức ăn và công nghệ nuôi về áp dụng.
TP Móng Cái đã tập trung khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, ưu tiên phát triển nuôi TTCT.
Với trên 1.600 ha đất bãi ven biển dành cho nuôi trồng thủy sản, trong đó 80% diện tích nuôi TCT, chủ yếu là nuôi theo quy mô công nghiệp.
Theo thống kê, năm 2011 Móng Cái có 909 ha nuôi TTCT đạt sản lượng 2.135 tấn (năng suất bình quân 2,3 tấn/ha), năm 2012 tăng lên 952 ha đạt 2.319 tấn (trung bình 2,9 tấn/ha). Kết quả nuôi khả quan như vậy đã tạo động lực lớn cho người nuôi yên tâm phát triển SX.
Tuy nhiên, nghề nuôi TTCT ở Móng Cái vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn như kiểm soát dịch bệnh, môi trường, chất lượng giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học và thiếu quy trình nuôi chuẩn...
Đặc biệt, các hộ nuôi vẫn mày mò áp dụng kỹ thuật lót nền đáy bằng bạt hoặc bê tông hoặc tùy tiện sử dụng các loại chế phẩm sinh học. Điều đó dẫn đến hậu quả là tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh, tỷ lệ chết cao và thiệt hại kinh tế lớn.
Tại Móng Cái, Cty TNHH Tư vấn & dịch vụ thuỷ sản Hưng Phú đang giúp các cơ sở nuôi TTCT nhân rộng và quảng bá các mô hình nuôi sạch, thông qua dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể TTCT Móng Cái”.
Ngoài nhãn hiệu tập thể như logo “Tôm chân trắng Móng Cái", dự án còn xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng, quy trình SX giống và nuôi thương phẩm theo hướng VietGAP, quy trình lưu giữ và vận chuyển tôm sống, quy trình bảo quản và vận chuyển tôm tươi/ướp đá, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kể cả giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… áp dụng thống nhất cho các cơ sở đăng ký tham gia nhãn hiệu tập thể.
"Cty cũng tư vấn cho Hội Nghề cá Móng Cái xây dựng kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ, mô hình phát triển SX bền vững để góp phần duy trì uy tín sản phẩm TTCT Móng Cái, nâng cao thu nhập cho người nuôi", TS Trần Thị Dung, PGĐ Cty Hưng Phú cho biết.
Hội Nghề cá Móng Cái cũng thành lập Ban Quản lý nhãn hiệu tập thể “Tôm chân trắng Móng Cái” để tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể, kiểm tra, giám sát các hoạt động SX và chất lượng sản phẩm. Hiện đã có 20 cơ sở nuôi TTCT ở Móng Cái đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Ông Bùi Ngọc Liêm Chủ tịch Hội Nghề cá Móng Cái khẳng định: “Xây dựng nhãn hiệu tập thể gắn với SX tôm sạch là việc rất cần thiết, trước mắt làm cơ sở vững chắc cho việc bán hàng vào các siêu thị và cho chế biến xuất khẩu, về lâu dài để tạo dựng uy tín cho sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế”.