TIN THỦY SẢN

Quảng Trị: Dịch bệnh trên tôm nuôi có nguy cơ bùng phát

Tôm chết chủ yếu sau khi thả nuôi từ 15-60 ngày gây thiệt hại hớn cho người nuôi tôm (ảnh web) Thục Quyên

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Trị đã có gần 20 ha/950 ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính và có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm...

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị: Vụ nuôi tôm năm nay toàn tỉnh thả nuôi được gần 950 ha, tuy nhiên tính đến thời điểm này đã có gần 20 ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, phân bố chủ yếu tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), Trung Giang, Trung Hải (huyện Gio Linh), Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Phước, Triệu Vân (huyện Triệu Phong) và Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng), gây bệnh trên cả 2 đối tượng nuôi là tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, chủ yếu gây chết ở tôm sau khi thả nuôi từ 15 - 60 ngày, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do con giống thả nuôi không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo chất lượng, cải tạo ao nuôi chưa đúng quy trình, cùng với sự biến động thất thường của thời tiết.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị - Trần Hoãn cho biết: Một nguyên nhân nữa khiến dịch bệnh ngày càng lây lan trên diện rộng là do năm 2015 này, Chi cục Thú y không được cấp kinh phí mua hóa chất hỗ trợ dập dịch nên rất nhiều ao nuôi khi xảy ra dịch bệnh, do biết không có hoá chất hỗ trợ nên các hộ nuôi không báo cho cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh mà đã xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường. Trước tình hình đó, bên cạnh việc chỉ đạo cán bộ kỹ thuật tăng cường bám sát địa bàn, kịp thời kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân dịch bệnh trên tôm nuôi, hướng dẫn người nuôi tôm phòng chống dịch bệnh như: tự xử lý nguồn nước tại ao nuôi và nước thải từ ao nuôi ra ngoài đúng quy trình; con giống thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch, đạt chất lượng; không vận chuyển tôm ra vào vùng có dịch bệnh... Chi cục Thú y đã báo cáo với Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh cấp kinh phí mua hoá chất để hỗ trợ dập dịch kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, ổn định tình hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Thục Quyên Khuyến Nông Việt Nam, 08/07/2015